Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng tự bào chữa, phủ nhận quan điểm luận tội
Ngày 18/12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ án sai phạm liên quan đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương với phần luận tội của đại diện Viện KSND TP, sau đó các luật sư tham gia tranh tụng và trình bày quan điểm bào chữa.
Ông Đinh La Thăng chối tội
Ngay khi vị đại diện Viện KSND TP HCM nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án 10-11 năm tù đối với cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng đã trình bày quan điểm bào chữa, phủ nhận các cáo buộc.
Tự bào chữa cho mình, ông Đinh La Thăng thừa nhận có trách nhiệm hành chính với tư cách là người đứng đầu ngành GTVT nhưng đã để xảy ra vụ án. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng bác bỏ việc quy trách nhiệm hình sự với ông, cùng mức án quá nặng.
Cùng ngày, đại diện Viện KSND TP HCM nhận định có đủ cơ sở để kết tội đối với các bị cáo. Trong đó, ông Đinh La Thăng là người đứng đầu Bộ GTVT, được giao quản lý trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, bao gồm quyền thu phí tại cao tốc TP HCM - Trung Lương. Vị cựu Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và quy định về quyền thu phí; nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn.
Dù vậy, đại diện VKS cho rằng quá trình tổ chức đấu giá, dù biết công ty của ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) có hành vi gian dối nhưng ông Thăng vẫn không kịp thời có các chỉ đạo, xử lý ngay. Trong khi đó, ông Thăng ký quyết định về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương và Tổ thường trực giúp việc, sau đó giao trực tiếp cho ông Nguyễn Hồng Trường, lúc đó là Thứ trưởng Bộ này phụ trách. Sau đó, ông Trường có các báo cáo và tài liệu gửi lãnh đạo cấp trên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc.
Trong các phiên xét hỏi trước đó, ông Đinh La Thăng phủ nhận các cáo buộc, cho rằng có tính suy diễn và không đúng bản chất sự việc. Dù vậy, khi đối chiếu lại chứng cứ, lời khai và các tài liệu liên quan, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố đối với Đinh La Thăng là đúng người, đúng tội. Kết luận, VKS đưa ra mức án đề nghị đối với vị cựu Bộ trưởng Bộ GTVT là từ 10 – 11 năm.
Đối với ông Nguyễn Hồng Trường, làm Thứ trưởng Bộ này trong giai đoạn tháng 4/2007 – tháng 8/2017 và cũng là người trực tiếp được giao chỉ đạo, quản lý và báo cáo quá trình bán quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương cho công ty Yên Khánh (do ông Út “trọc” chi phối) được đề nghị giảm nhẹ hình phạt ở mức 6 – 7 năm tù do quá trình thành khẩn khai báo, nhân thân tốt và phạm tội do tin tưởng vào cấp tham mưu.
Đề nghị án chung thân đối với Út “trọc”
Đối với các bị cáo thuộc Tổng Công ty Cửu Long (Bộ GTVT) tham gia tại Tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc bị đề nghị các mức án từ 3 – 6 năm tù. Riêng ông Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) và bị đề nghị mức án từ 3 – 4 năm tù.
Trong vụ án này, đại diện VKS nhận định ông Đinh Ngọc Hệ, nguyên là Phó Tổng GĐ Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) là đối tượng chính của vụ án, nhưng quá trình xét hỏi còn ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo cũng như không nhận tội, do đó cơ quan này đề nghị HĐXX tuyên mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 13 – 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hợp hình phạt bị đề nghị là chung thân. Đồng thời, ông Út “trọc” còn bị đề nghị phải bồi thường số tiền hơn 725 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho nhà nước.
Đối với các đồng phạm, cán bộ, nhân viên làm việc tại các công ty do ông Hệ thao túng, đại diện VKS đề nghị các mức án từ 2 – 12 năm tù cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng tại phiên xét xử chiều cùng ngày, các luật sư được tham gia tranh luận và bào chữa cho thân chủ trong vụ án. Các luật sư của ông Đinh La Thăng tranh luận với đại diện VKS về mức án đề nghị 10-11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với ông Đinh La Thăng vì cáo buộc của VKS là chưa phù hợp với chứng cứ thu thập được.
Bên cạnh đó, trong những ngày xét hỏi vừa qua các luật sư đã cung cấp nhiều bào chữa liên quan đến các cáo buộc đối với thân chủ của mình. Cụ thể, cáo buộc về việc ông Thăng giới thiệu Út “trọc” với lãnh đạo Tổng Công ty Cửu Long là không có cơ sở, và cũng không có chứng cứ. Hồ sơ và kết quả thẩm vấn tại toà cũng cho thấy cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có gửi báo cáo công việc cho ông Thăng nhưng chỉ mang tính chất thông báo và cũng không có chứng cứ chứng minh các báo cáo đó thể hiện ông Thăng đã biết từ trước việc gian dối trong bán quyền thu phí cao tốc.
Tại tòa, các luật sư cũng trình bày quan điểm tranh luận liên quan đến số tiền thiệt hại của vụ án là 725 tỷ đồng. Ngoài ra, phía Công ty Yên Khánh đã trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đã thanh toán đầy đủ 2.004 tỷ đồng cho Bộ GTVT, nhưng sau đó liên tục thanh toán lãi chậm, dẫn đến các thiệt hại mới chưa thể xác định được.