Phát triển bất động sản gắn với bảo tồn đô thị di sản Huế
Ngày 18/12, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Báo Công Thương đã tổ chức hội thảo "Bất động sản gắn với đô thị Di sản Huế" nhằm góp phần đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi; gợi mở những giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên - Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn và phát triển bền vững gắn với đô thị di sản Huế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.
“Hội thảo nhằm góp phần đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, những chính sách ưu đãi; gợi mở những giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên - Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn, ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững gắn với đô thị di sản Huế”, ông Nguyễn Văn Phương nói.
Tại hội thảo, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc định hướng chiến lược và phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của đô thị Thừa Thiên - Huế.
Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng các dự án cao tầng - điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam. Bảo tồn không cản trở phát triển, nhưng đồng thời phải xác định phát triển đô thị mới sẽ góp phần gián tiếp bảo tồn di sản.
“Lâu nay Huế loay hoay chuyện bảo tồn phát triển. Chúng ta hãy nhìn rộng ra, theo gương tiền nhân khai phá các vùng đất mới nhằm có thể đem lại các lợi ích kinh tế cao cho toàn tỉnh, chứ không việc gì cứ phải chen chúc bám vào đất cũ, là nơi vẫn nên ưu tiên hơn cho việc bảo tồn di sản của tiền nhân, dành cho các hoạt động du lịch di sản và văn hóa”, TS. Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
Nhìn nhận ở góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, bài toán hóc búa về giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đã làm một số nhà đầu tư rất dè dặt, e ngại khi đến với Huế.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đã đến lúc phải giải bài toán bảo tồn và phát triển, nhất là phát triển bất động sản gắn với bảo tồn đô thị di sản Huế một cách thật căn cơ để tạo thế phát triển mới cho Thừa Thiên - Huế.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, các dự án bất động sản tại Huế hiện vẫn đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét “di sản Huế”. Việc phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên - Huế nói chung và TP. Huế nói riêng, theo lợi thế so sánh của Huế.