Trung tướng Lưu Phước Lượng: Một trái tim biết yêu tha thiết
Gặp gỡ ông - Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chúng tôi cảm nhận thật rõ ràng một tính cách quyết liệt...
Gặp gỡ ông - Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chúng tôi cảm nhận thật rõ ràng một tính cách quyết liệt, một cái đầu rộng mở, biết lắng nghe và thấu hiểu, và đặc biệt là một trái tim biết yêu tha thiết không chỉ đất nước quê hương, bạn bè, đồng đội mà còn biết ôm chứa, cảm nhận đủ đầy những cung bậc cảm xúc, nhất là đối với những người đồng đội đã hy sinh.
Khi chúng tôi tới tư gia vị tướng cũng là lúc ông vừa đi công việc về. Việc nghĩa tình thảo thơm của người còn sống đối với người đã khuất. Ông cùng đồng đội vận động được hàng chục tỷ để xây khu nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 5 - Quân khu 7. Nhắc về những người lính hy sinh, vầng trán cương nghị của vị tướng chợt như sắt lại một nỗi niềm bâng khuâng tiếc nhớ. Là người lính cầm súng trực tiếp đánh giặc từ năm 1965 nơi chiến trường khốc liệt nhất - Đông Nam Bộ, ông trở thành dũng sĩ diệt Mỹ khi tuổi đời chớm đôi mươi. Quê ông ở thị trấn nhỏ ven sông xã Phú Cường - thủ phủ của Thủ Dầu Một. Người cha là cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954, sáu anh chị em Năm Lượng sống với mẹ và bà ngoại trong cơ cực, thiếu thốn trăm bề. Thuở nhỏ, cậu bé Năm Lượng nhỏ gầy ốm yếu nhưng ý chí kiên cường. Càng thương bà ngoại và cha mẹ, Năm Lượng càng dốc sức học hành và trở thành học sinh giỏi của trường Trịnh Hoài Đức. Năm Lượng sớm tham gia các hoạt động đấu tranh, tuyên truyền tại trường và mau chóng nhận ra rằng phải trực tiếp tham gia kháng chiến. Đó là con đường ngắn nhất để đến với Tổ quốc, đến với nhân dân.
Ngày 16 tháng 6 năm 1965, Năm Lượng chia tay ngoại, má và các em lên đường vào chiến khu. Thật thú vị khi đón người chiến sĩ trẻ măng tơ ấy lại chính là người cha ruột tại vùng giải phóng Chánh Lưu - Nhà Đỏ. Cũng thật lạ kỳ, khi đang đạp xe vào chiến khu, Năm Lượng đã gặp phải trận bom B.52 khủng khiếp nơi cánh rừng Long Nguyên đã tự nhủ “Chui cha! Chưa gì thằng Mỹ đã dằn mặt mình rồi!” Cha và các chú, các anh đón Năm Lượng vào vùng giải phóng nằm kề sát ngay căn cứ quân sự của quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn. Những ngày đầu ở chiến khu, từ một học sinh thành thị trở thành người chiến sĩ quân giải phóng, Năm Lượng đã ý thức được cách mạng chính là phải chiến đấu đến tận cùng với bè lũ cướp nước và bán nước để thống nhất đất nước. Bài học đầu tiên của Năm Lượng chính là phải lao động cật lực, đào hầm, tải gạo, tải đạn cùng với đồng đội anh em. Những tấm gương hy sinh anh dũng trên chiến trường đã mau chóng tôi rèn, đào luyện nên một Năm Lượng gan góc và quyết đoán. Cuối năm 1966, Năm Lượng được cử đi học sửa chữa và lắp máy thông tin quân sự ở Phòng Thông tin Miền. Tiếp đó về Xưởng sửa chữa và lắp máy thông tin của Miền.
Các năm 1966, 1967, Mỹ ngụy tổ chức những cuộc hành quân lớn đánh phá ác liệt, sử dụng B.52 rải thảm làm cho cả vùng rừng núi Đông Bắc, Bắc Tây Ninh rung chuyển dữ dội hàng đêm. Đơn vị của Năm Lượng được điều động để vận chuyển hàng chiến lược trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia ở khu vực Móc Câu (Đông Bắc tỉnh Tây Ninh). Đó là những hòm súng tiểu liên AK, B40, máy thông tin K63 và các loại đạn tên lửa. Trong trận chiến đấu ác liệt ngày 3 tháng 3 năm 1967, 3 đồng chí trong tiểu đội của Năm Lượng được phong tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” trong đó có ông. Cũng trong khoảng thời gian này, Năm Lượng được đi học lớp cảm tình Đảng. Một bước ngoặt mới đến với người chiến sĩ trẻ nơi chiến trường.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Năm Lượng trực tiếp chiến đấu và đã chứng kiến những sự hy sinh của đồng đội ngay trước mặt mình, đặc biệt là đồng chí Tư lệnh Sở chỉ huy Tiền phương Nguyễn Thế Truyện - “ông Năm Sài Gòn” nổi tiếng.
Từ trong lòng cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, Năm Lượng được cử ra miền Bắc học tập và rèn luyện đầu năm 1974. Cũng trong khoảng thời gian này, ông quen biết và dần dần tình yêu với cô gái cùng đoàn Mạc Phương Minh - một nữ chiến sĩ quân y sau này là người vợ thủy chung, son sắt của ông. Ở một con người với trái tim luôn biết rung động, rộng mở, thiết tha tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu đồng chí đồng đội như Năm Lượng thì mối tình của ông với Mạc Phương Minh không chỉ thuần phác là tình yêu đôi lứa mà còn cao rộng hơn rất nhiều, biết cảm thông và chia sẻ đến tận cùng để cùng nhau cất cánh trên bầu trời Tổ quốc. Chỉ một việc nhỏ là khi Năm Lượng hứa với Phương Minh sẽ bỏ hút thuốc dù khi đó do thiếu thốn và cả căng thẳng nữa, bộ đội ta rất nhiều người hút thuốc như một thói quen và tiêu chuẩn cán bộ chiến sĩ luôn có thuốc lá cũng là chuyện của thời đó. Vậy mà Năm Lượng hứa với người yêu bỏ thuốc và ông đã bỏ một mạch đến tận bây giờ đã trên 45 năm. Chính tình yêu lớn đã cho Năm Lượng nghị lực lớn và Năm Lượng rất biết cuộc đời đẹp nhất là dâng hiến cho Tổ quốc.
Sau Giải phóng miền Nam, Năm Lượng về Quân khu 9 miền Tây Nam Bộ tham gia cùng đoàn cán bộ thông tin của Miền thành lập Trung đoàn 29 thông tin Quân khu 9.
Càng phấn đấu rèn luyện, Năm Lượng càng trưởng thành. Ông luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng. Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra (1979), Năm Lượng đang học tại Học viện Chính trị Quân sự, được lệnh ông có mặt ngay trên biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nhân dân Campuchia (1977-1989), Năm Lượng làm trợ lý cho Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng. Đây chính là thời kỳ ông học tập được rất nhiều từ vị thủ trưởng lừng danh. Tiếp đó, Năm Lượng đảm đương các trọng trách: Phó Sư đoàn trưởng về chính trị Sư đoàn 5; Phó Tư lệnh về chính trị Quân đoàn 4; Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân khu 9 và sau này là Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho tới lúc nghỉ hưu.
Ở cương vị công tác nào, vẫn là nguyên đó một Năm Lượng vô cùng giàu năng lượng, nhiệt huyết, mềm mại nhưng cũng rất quyết liệt và đặc biệt là một trái tim luôn biết yêu tha thiết để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng đội, nhân dân. Năm Lượng luôn tự nhủ nhân dân đã trải qua mấy cuộc chiến tranh vốn còn chịu rất nhiều thiệt thòi. Sự hy sinh của nhân dân thật khó có thể gọi hết được ra nên chúng ta dù làm gì, trước tiên phải nghĩ đến nhân dân và đồng đội, nhất là những đồng đội đã hy sinh.
Thời kỳ làm Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trung tướng Lưu Phước Lượng đã cùng các đồng chí lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ làm được rất nhiều việc, đặc biệt là việc xử lý những điểm nóng một cách mềm mại nhưng triệt để, thấu tình đạt lý được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.
Trong tập hồi ức Dấu ấn cuộc đời, Trung tướng Lưu Phước Lượng đã lần lượt hồi nhớ lại toàn bộ cuộc đời mình với những trang viết rất đặc sắc. Xin được trích lời của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhận định về tập sách Dấu ấn cuộc đời của Năm Lượng: Đọc những trang viết công phu, tâm huyết và rất nghĩa tình này, tôi nghĩ rằng: Khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và sự nỗ lực phấn đấu kiên cường bền bỉ của bản thân; cùng với truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc; đặc biệt là tình yêu, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn từ hậu phương vững chắc của người vợ, người bạn đời - người con của đất mũi Cà Mau - Mạc Phương Minh - trọn việc nước, vẹn việc nhà, đã làm nên những DẤU ẤN CUỘC ĐỜI đầy cam go và rất đáng tự hào của Trung tướng Lưu Phước Lượng. Và sẽ rất có ý nghĩa khi con cháu chúng ta đọc được những câu chuyện rất bình dị, đời thường nhưng cũng rất thiêng liêng và lãng mạn cách mạng này.
Chúng ta có lòng tin mãnh liệt là dân tộc ta - mọi người chúng ta luôn chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta, đất nước ta sẽ hùng mạnh về mọi mặt, với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới, để đồng bào ta, con em chúng ta không phải đi qua bất cứ một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với nhiều đau thương mất mát nào nữa nhưng vẫn luôn được sống trong hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và ấm no, hạnh phúc. Đây sẽ là hồng phúc muôn đời của đất nước ta, dân tộc Việt Nam chúng ta”.