Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa
Tuy chỉ tồn tại hơn 12 năm, nhưng báo Giải phóng – tiền thân của báo Đại Đoàn kết đã gánh vác sứ mệnh lịch sử quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc. Ngày 18/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Đại Đoàn kết và báo Sài gòn Giải phóng tổ chức trưng bày chuyên đề và ra mắt phim “Giải phóng: Tờ báo trên tuyến lửa”.

Đến dự sự kiện có Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Đặc biệt có sự tham dự của 4 nhà báo nguyên phóng viên báo Giải phóng: Thái Duy, Cao Kim, Nguyễn Hồ và Phương Hà.
Với không gian khoảng 200 m2 tại tầng 2 Bảo tàng Báo chí Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội), trưng bày tổng thể về báo Giải phóng qua hơn 12 năm tồn tại. Nhà báo Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Vì điều kiện làm báo trong chiến tranh, phương tiện và giấy khan hiếm, lại bị bom đạn dập vùi nên cho đến nay, chúng tôi chưa thể sưu tầm được trọn vẹn những số báo đầu tiên ra đời năm 1964. Năm 2015, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận được một số tờ báo Giải phóng bản gốc, tất cả đều đã ố màu, được gói gém, cất giữ cẩn thận bởi các nhà báo Đinh Phong, Trần Thanh Phương… cùng một số hiện vật, tư liệu ít ỏi của các nhà báo khác trong chiến tranh đã từng công tác tại Báo. Sau đó, nhà báo Nguyễn Hồ tin cậy trao lại bộ sưu tập báo Giải phóng quý giá của ông. Đến nay, Bảo tàng Báo chí đã có trong tay gần 500 số báo xuất bản từ 1969 đến tháng 1/1977. Bên cạnh đó là hàng ngàn kỷ vật của những người làm báo Giải phóng hiến tặng.”.

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, trước những yêu cầu thực tế đặt ra là phải có cơ quan ngôn luận để tập hợp, tổ chức nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống Mỹ. Tháng 7/1964, chủ trương xuất bản Báo Giải phóng đã được Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam thông qua.
Ngày 20/12/1964, số Báo Giải phóng đầu tiên đã xuất hiện trong vùng giải phóng , chuyển tới vùng ven, đưa lên Phnôm Pênh ra Hà Nội và đưa bí mật vào Sài Gòn. Trong 12 năm, Báo Giải phóng đã phát hành 375 số báo trong điều kiện đặc biệt khó khăn, hiểm nguy.
Nhà báo Thái Duy (nay đã 96 tuổi) nhớ lại: “... Cuối năm 1963, báo Cứu Quốc có lệnh cử Tổng Biên tập, thư ký tòa soạn và một phóng viên vào Trung ương Cục để tổ chức tờ báo, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi được theo Tổng Biên tập và thư ký tòa soạn đi B. Đầu năm 1964, ngay sau Tết Âm lịch, tôi và anh Tống Đức Thắng đi đường bộ, còn Tổng Biên tập chân có tật, đi cà nhắc được đi tàu biển, còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển. Cuối năm 1964, báo Giải Phóng số đầu tiên ra mắt, tôi là phóng viên của báo Giải Phóng...”.

Từ số báo đầu tiên ra đời ngày 20/12/1964, cho đến ngày sát nhập với báo Cứu Quốc thành Đại Đoàn Kết ngày 5/3/1977, báo Giải phóng có hơn 12 năm tồn tại. Với 12 năm đó, báo Giải phóng đã làm tốt sứ mệnh đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Nói về sự ra đời của bộ phim tài liệu “Báo Giải phóng – Tờ báo trên tuyến lửa”, nhà báo Nguyễn Hồ - chủ biên bộ phim chia sẻ: “Bộ phim này đề cập đến những sự kiện nóng và những tư liệu, ký ức, hiện vật mình có để chứng minh là sự kiện nói trong ngày hôm nay là hoàn toàn có thật.
Rất may bộ phim có sức thuyết phục với những người xem phim, đây mới chỉ là bước đầu. Nếu có điều kiện tốt hơn thì chúng ta sẽ còn trở lại lịch sử một tờ báo với nhiều khía cạnh và những lĩnh vực khác để người xem có thể thấy đầy đủ hơn lịch sử của một tờ báo ở trong giai đoạn lịch sử từ chiến tranh chuyển sang thống nhất đất nước.
Đây là bộ phim được thực hiện gần 1 năm trời (2020) vì năm nay là năm có dịch Covid -19 nên làm không được tập trung cao vì phải làm qua online. Trong phim là những tài liệu đã tích lũy từ trước chứ không phải đi làm mới. Vì tài liệu có sẵn nên mình chỉ tập trung khai thác”.
Nhà báo Phương Hà, nguyên Phóng viên báo Giải phóng, nguyên Trưởng đại diện Báo Đại đoàn kết tại TP HCM kể: “15 số đầu tiên sau ngày giải phóng 30/4/1975, chúng tôi tiếp quản trụ sở tờ báo Dân chủ. Khi đó một số nhà báo làm báo yêu nước ở Sài Gòn đã đến ủng hộ báo. Số lượng phát hành thời điểm đó thật kỷ lục, lên đến nửa triệu bản. Sau này thành lập tờ Báo Đại Đoàn kết tôi là một trong những phóng viên chủ lực được giữ lại và làm chủ yếu trong phía Nam”.
Nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) – nguyên phóng viên báo Giải phóng chia sẻ về kỷ kiệm sau trận chiến ác liệt tết Mậu Thân, đồng đội mất liên lạc và tưởng ông hy sinh nên đã lập mộ giả. Người thân của ông còn nhận được giấy báo tử.
Ngay sau ngày 30/4/1975, một bộ phận báo Giải phóng đã tách ra để thực hiện ra báo Sài Gòn giải phóng.
Với sứ mệnh của mình, báo Cứu Quốc, rồi báo Giải phóng đã làm trọn sứ mệnh đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1977, trên cơ sở thống nhất các tổ chức Mặt trận, báo Đại Đoàn Kết ra đời trên cơ sở sát nhập hai tờ báo của Mặt trận. Kể từ đó đến nay, báo Đại Đoàn Kết tiếp nối truyền thống vẻ vang, thực hiện sứ mệnh mới, trong đó có giám sát – phản biện xã hội.