Yêu sớm tuổi học trò: Bài 2 - Không bỏ ngỏ giới tính học đường
Công tác giáo dục giới tính cho học trò lâu nay vẫn còn những ý kiến trái chiều. Song không thể phủ nhận, nếu người lớn “lờ đi”, để trẻ con tự tìm hiểu thì rất có thể trong sự loay hoay, các em sẽ tìm ra được những thông tin không đúng đắn, không giúp ích gì cho sự hiểu biết mà trái lại, càng gây hại cho sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi...
Những con số đáng suy ngẫm
Người viết bài này trong một lần đến bệnh viện tìm hiểu về việc nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, ám ảnh khôn nguôi là ánh mắt đượm buồn của người mẹ đưa cô con gái đến phá thai. Cả hai mẹ con không nói chuyện với ai, ngồi chờ đến lượt vào phòng làm thủ thuật thì một phụ nữ khóc đến mức thương tâm khiến ai cũng mủi lòng.
Chồng chị kể hai vợ chồng lấy nhau 7 năm trời, chạy chữa mãi mới có được một mụn con. Ai ngờ bé mới sinh được hơn 5 tháng thì người vợ phát hiện có thai nên bác sĩ khuyên bỏ vì chị sinh mổ, hai thai gần nhau nguy hiểm đến sức khỏe… Người mẹ kia lúc ấy không kìm được khóc nấc lên ôm cô con gái còn đang tuổi học sinh, đôi bàn tay run bần bật…
Không chỉ gây ra những vấn đề về tâm lý, mang thai ở lứa tuổi vị thành niên còn gây nên những hệ luỵ khôn lường về sức khoẻ. Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em-Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 ngàn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Còn theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có không ít trường hợp thiếu kiến thức về sức khoẻ giới tính. Khi có tình cảm với bạn khác giới, đa số trẻ đều giấu giếm gia đình, người thân, thậm chí là bạn bè. Trong khi đó, kiến thức về giới tính lại không hiểu biết cặn kẽ, thấu đáo nên có thể xảy ra những hậu quả không mong muốn.
Theo các chuyên gia, giáo dục giới tính có thể dạy một cách không chính thức, có thể là cuộc trò chuyện giữa cha mẹ với con, với những chuyên gia về chăm sóc sức khoẻ giới tính, giữa thầy, cô giáo với học sinh. Những năm qua, trong nhà trường, kiến thức về sức khoẻ giới tính chủ yếu được các em học sinh tiếp cận qua bộ môn sinh học. Tuy nhiên, để công tác tư vấn, chăm sóc sức khoẻ giới tính đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các em ở lứa tuổi học sinh cần có sự chung tay từ nhiều phía.
Thậm chí, nhiều người đặt ra câu hỏi nên giáo dục giới tính cho trẻ từ khi nào? Hiện nay trong sách khoa học lớp 5 của NXB Giáo dục Việt Nam ở phần Con người và sức khỏe có bài liên quan đến phụ nữ có thai với nội dung dạy trẻ về việc phụ nữ có thai nên và không nên làm gì? Tại sao? Trong đó bao gồm các hình ảnh minh họa bài học đưa ra.
Có một số phụ huynh cho rằng việc bắt các em học thuộc kiến thức này là không cần thiết. Trong khi, tác giả cuốn sách thì cho rằng bài học được viết ở mức độ vừa phải, mang tính khoa học. Khi thí điểm dạy ở các lớp, học sinh rất hứng thú. Có em nói vậy em phải khuyên bố về nhà làm giúp mẹ hơn, giúp mẹ gánh nước hay làm việc nặng…
Giáo dục giới tính cho trẻ em từ tiểu học, thậm chí từ mẫu giáo vẫn là những quan điểm chưa có hồi kết. Song theo PGS. TS. BS Huỳnh Thoại Loan (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park) thì ngay từ khi biết đi và nói chuyện, trẻ cũng bắt đầu tìm hiểu về cơ thể của mình. Đây chính là lúc cha mẹ nên giáo dục giới tính cho trẻ, bắt đầu bằng cách dạy cho trẻ biết tên gọi của cơ quan sinh dục trên cơ thể (có thể nói với con trong lúc tắm)…
Giá trị sống thay đổi
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, ai cũng có nhu cầu yêu và được yêu thương, nhưng nhìn chung khi con cái càng lớn, bố mẹ càng ít thể hiện tình cảm hay các cử chỉ, lời nói yêu thương với trẻ. Chưa kể, khoảng cách thế hệ khiến trẻ cũng có nhu cầu tìm kiếm sự yêu thương từ bạn bè, cả bạn cùng giới và khác giới.
Điều này, dễ dẫn đến nhận định “trẻ đang bước vào con đường yêu sớm”. Trong khi đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các thông tin trên phim ảnh, mạng xã hội cũng là nguyên nhân khiến những đứa trẻ bị lây lan tâm lí yêu sớm và chúng học hỏi nhau.
“Bố mẹ không thể quản lý nguồn thông tin trẻ tiếp cận hằng ngày vì thế hãy dạy cho trẻ cách tiếp cận như thế nào là phù hợp”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Thanh đề xuất.
Ngày nay, nhiều giá trị sống cũng thay đổi so với trước đây. Chẳng hạn, nếu ngày xưa “cọc đi tìm trâu” thì sẽ bị lên án gay gắt nhưng ngày nay, một số gia đình thậm chí đồng ý cho con trai/con gái mình sống thử xem có phù hợp không rồi mới làm đám cưới. Thậm chí, từ việc vô sinh, hiếm muộn có con ngày càng trở nên phổ biến, nhiều gia đình chấp nhận có bầu trước, cưới sau.
Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều những tình yêu sớm ở tuổi học trò? TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Lớp trẻ bây giờ khác xa thế hệ chúng ta. Việc con gái chủ động trong tình cảm cũng là thường thôi và sẽ không ai đánh giá gay gắt cả. Vậy nên bố mẹ hãy thả lỏng tinh thần và đừng bức xúc nhé”.
Chuyên gia này cũng khẳng định hành vi của con có thể bị ảnh hưởng ít nhiều từ môi trường xung quanh, chẳng hạn như bạn bè. Tuy nhiên, người gây ảnh hưởng nhất cho trẻ vẫn là bố mẹ. Trường hợp con yêu đương, bố mẹ không nên quát mắng, sốt ruột,... mà phải rất bình tĩnh, gần gũi và chia sẻ với con.