Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng

PV 20/12/2020 09:57

Với Chỉ số phát triển con người (HDI) 0,704, Việt Nam được xếp vào nhóm phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Được công bố lần đầu tiên từ năm 1990, HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỉ lệ biết chữ (học vấn) và tuổi thọ của các quốc gia trên thế giới. HDI được tính toán dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Thu nhập - Chỉ số tổng thu nhập quốc dân (GNI)/người; Tri thức - chỉ số học vấn và Sức khỏe - thể hiện qua tuổi thọ bình quân kỳ vọng tính từ thời điểm mới sinh.

Từ năm 2010, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố HDI có tính đến bất bình đẳng, theo đó, điều chỉnh giá trị HDI của một quốc gia về bất bình đẳng theo các yếu tố đời sống, giáo dục và thu nhập, cũng như dùng Chỉ số nghèo đa chiều để trực tiếp tính tình trạng đói nghèo của người dân…

Theo báo cáo mới nhất của UNDP, Việt Nam hiện đã đứng trong nhóm các nước có HDI ở mức cao trên thế giới. Năm 2019, HDI của Việt Nam là 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 1 bậc so với năm 2018. Từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng 45,8%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.

Trong đó, tuổi thọ trung bình của Việt Nam khi sinh tăng 4,8 năm; số năm đi học trung bình tăng 4,4 năm và số năm đi học dự kiến tăng 4,9 năm. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 370% trong khoảng 1990-2019. UNDP đánh giá cao chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm của Việt Nam để ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng theo báo cáo này, với Chỉ số Phát triển Giới là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đưa Việt Nam vào nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về bất bình đẳng giới: nằm trong nhóm cuối trong 3 nhóm trên toàn cầu về tỷ số giới tính khi sinh (1,12); bạo lực đối với phụ nữ (34,4%) và phụ nữ có tài khoản trong các tổ chức tài chính hoặc các nhà cung cấp dịch vụ tiền tệ điện tử (30,4%).

PV