Bóng đá vẫn chưa nuôi nổi bóng đá

Đặng Xá 20/12/2020 13:28

12 năm trước, Bình Định xuống hạng và nhà tài trợ Pijico rút lui. Đội bóng rơi vào khủng hoàng một thời gian dài trước khi tìm thấy mạnh thường quân Hưng Thịnh. Đúng trong bối cảnh mà Bình Định trỗi dậy trở lại nhờ mạnh vì gạo thì Quảng Ninh, một đội bóng khác tại V.League đang sống dở chết dở do khổ vì tiền.

Một pha thi đấu tích cực của Than Quảng Ninh.

Tiền nuôi bóng đá, bóng đá không ra nhiều tiền

20 năm qua, quy luật một chiều ấy vẫn đang diễn ra tại V.League, nơi được xem là bóng đá chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Hai chữ chuyên nghiệp có lẽ với nhiều người vẫn còn ngượng mồm. Bởi hai thập kỷ, nhiều CLB vẫn cứ như phận tầm gửi bám vào doanh nghiệp, tập đoàn để sống.

Không ít đội bóng đã phải chết yểu chỉ vì nhà tài trợ hay doanh nghiệp dứt áo ra đi hay các ông bầu bỗng dưng không còn hứng thú với bóng đá. Hà Nội ACB, Hoà Phát Hà Nội, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, Xi măng The Vissai Ninh Bình là những trường hợp tiêu biểu nhất đại diện cho điều đó.

Những cái tên trên đã biến mất sau khi độ hứng và độ chơi của các ông bầu cùng doanh nghiệp khép lại. Song như đã nói, rất nhiều đội bóng khác vẫn cứ sống một cuộc đời tầm gửi như vậy. Năm nay họ có thể giàu sang. Nhưng năm sau, chẳng biết số phận của các cầu thủ sẽ trôi dạt đi đâu nữa.

Quảng Ninh là một ví dụ. Họ nợ lương cầu thủ trong cả năm 2020 và 4 tháng cuối năm 2019. Khoản tiền lót tay vốn dĩ cần được giải ngân cho họ cũng chẳng thấy tăm hơi. Ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch Quảng Ninh không thể cứ giương vai chịu trận, trong sự thờ ơ của tỉnh nhà và nhà tài trợ.

Hệ quả, các trụ cột lũ lượt ra đi. HLV Phan Thanh Hùng dù kiên nhẫn lắm cũng không thể chịu được tình cảnh của Quảng Ninh hiện tại. Người ta đã phong thanh về một gói cứu trợ trị giá 100 tỷ đồng để cứu đội bóng đất mỏ. Nhưng đến giờ, số tiền ấy vẫn chưa đến Quảng Ninh. Ngược lại, HLV trưởng đến cầu thủ buộc lòng phải thoát khỏi con tàu đắm vốn đã không thể cứu nổi mình.

Chuyên nghiệp hay phong trào?

Trong một cuộc trả lời báo giới gần đây, HLV Nguyễn Đức Thắng từ Bình Định có dùng 2 từ “phong trào” để nói về bóng đá được xem là chuyên nghiệp Việt Nam. Với ông, phong ở đây là gió. Và gió cũng chỉ trào lên khi có lửa. Lửa ở đây theo ám chỉ của vị HLV này chính là tiền.

Bản thân ông thừa nhận rằng với V.League, nếu không có tiền thì đội bóng chẳng thể hoạt động được. Nhưng tiền ở đây vốn dĩ qua nhiều năm vẫn chỉ đến từ một phía. Đó là các ông bầu, tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ… Còn thực chất bản thân đội bóng chẳng thể tự mình sinh lời để nuôi nổi bản thân.

Bình Định của chính ông Đức Thắng cũng đã trải qua tình cảnh điển hình mang đậm chất bóng đá Việt Nam như vậy suốt 12 năm qua. Còn nhớ, khi trôi dạt xuống hạng Nhì năm 2015, Bình Định suýt đứng trước nguy cơ giải thể vì không còn đủ lực về nền tảng tài chính. Hai năm sau, đội bóng này tiếp tục long đong, èo uột với khoản kinh phí eo hẹp.

Đầu mùa giải 2019, Bình Định thậm chí còn suýt không tham dự giải vì không có… kinh phí, nếu như không có sự can thiệp kịp thời của Hưng Thịnh. Từ 10-20 tỷ đồng ở mùa 2019 đến 40 tỷ đồng của năm 2020, Bình Định như được lột xác. Họ mang về những cầu thủ thi đấu tại V.League như Lê Hoàng Thiên, Phan Đức Lễ...

Đấy là chưa kể, ông Đức Thắng còn mượn được những cầu thủ trẻ có chất lượng từ nhiều đội bóng mạnh. Một trong số đó có Nguyễn Hữu Thắng của Viettel - cái tên sau cùng được bình chọn là xuất sắc nhất Bình Định mùa giải năm ngoái. Cũng nhờ vậy mà Bình Định hồi sinh, trở lại V.League sau 12 năm vắng bóng.

Ở thời điểm này, phiên chợ trước V.League 2021 vẫn đang rộn ràng với cái tên Bình Định. Họ mua sắm rất nhiều cầu thủ giỏi từ nhiều đội bóng tên tuổi tại V.League. Người ta nói Bình Định lại giàu sang. Nhưng cái từ giàu sang ấy sẽ duy trì 1 hay 2 năm nữa.

Nếu như Hưng Thịnh “rút ống thở”, Bình Định có nuôi nổi mình hay không? Câu chuyện Pijico ngưng tài trợ khiến Bình Định thoi thóp vì hết nương nhờ người giàu vẫn còn ám ảnh nhiều lắm đấy.

Đặng Xá