Hò chèo cạn và lão nghệ nhân tuổi 90
Trải qua hàng trăm năm, những tưởng hò chèo cạn của vùng bãi ngang Nhượng Bạn biến mất theo thời gian. Nhưng, bằng niềm say mê, sự nhiệt huyết và tính sáng tạo, nghệ nhân Trương Văn Hứa (thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) đã đưa loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này chuyển sang một trang mới.
Thăng trầm hò chèo cạn
Gần 90 tuổi, ông Trương Văn Hứa (88 tuổi) vẫn giữ vai hát xướng trong tất cả các lễ hội cầu ngư ở làng Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng) và cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Hễ có chương trình, ông liền chuẩn bị những tiết mục đặc sắc nhất để tham gia. Có lẽ, hò chèo cạn chính là nguồn sống tinh thần của nghệ nhân Trương Văn Hứa.
Sinh ra và lớn lên ở làng Nhượng Bạn – nơi đậm chất văn hóa dân gian gắn với nghề chài lưới, từ nhỏ chàng trai Trương Văn Hứa đã chìm đắm trong những câu hò, lời hát chất chứa bao nỗi niềm do người cha (cụ Trương Văn Học) truyền lại.
Những năm trước và sau chiến tranh chống Pháp, ông Học đi khắp các vùng ven biển từ Nam chí Bắc để sưu tầm hò chèo cạn rồi về truyền dạy cho nhiều bà con ngư dân trong làng. Ông Học là người đầu tiên đứng ra thành lập đội hò chèo Nhượng Bạn. Từ đó trở đi, loại hình diễn xướng dân gian này trở thành một nếp sinh hoạt đặc trưng không thể thiếu vào các dịp Lễ hội Cầu ngư của làng.
Dưới sự dẫn dắt của ông Trương Văn Học, hò chèo cạn trở nên thịnh hành nổi tiếng khắp các vùng bãi ngang ở Hà Tĩnh. Góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của ngư dân, cổ vũ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.
Tuy nhiên, do chiến tranh, năm 1954 đội hò chèo cạn Nhượng Bạn tan rã, năm 1978, khi ông Trương Văn Học mất, hò chèo cạn Nhượng Bạn lắng xuống và mai một dần. Tiếc nuối giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và tâm huyết của bậc tiền nhân, ông Trương Văn Hứa bày tỏ quyết tâm phục hồi, bảo tồn cho con cháu mai sau, không thể để bị thất truyền.
10 năm sau khi người cha mất, sau gần 30 năm với vai trò thuyền trưởng trên tàu viễn dương, ông Trương Văn Hứa được nghỉ hưu. Trở về quê hương, ông bắt tay vào việc khôi phục Lễ hội Cầu ngư và hò chèo cạn trên chính miền quê yêu dấu của mình.
Khó khăn nhất lúc này là các cụ cao niên trong làng có hiểu biết về hò chèo cạn Nhượng Bạn hầu hết đã già yếu, trí nhớ kém, nhiều cụ qua đời. Còn thế hệ trẻ thì hầu như không ai biết gì bởi vì làn điệu này rất khó hát, đặc biệt là hát theo lối chầu văn.
Theo ông Trương Văn Hứa, trước đây chèo cạn hát bằng tiếng Hán nên ít người biết để hát. Để gỡ “nút thắt” này, ông Hứa cùng với một số cụ cao niên trong làng dịch lời của bài hát thành chữ Quốc ngữ sau đó truyền dạy cho ngư dân trong làng.
Năm 1992, sau khi ông Trương Văn Hứa kiên trì tìm cách tiếp cận, gặp gỡ, thuyết phục và dần dần truyền thụ lại làn điệu hò cổ cho một số người, rồi nhiều người, tổ chức thành lập lại đội hò chèo cạn mới. Lúc này, đội hò chèo cạn Nhượng Bạn ra đời quy tụ được trên dưới 20 người tâm huyết, trong đó nhiều người có chất giọng hò rất hay và triển vọng sẽ “kế nghiệp” ông Hứa trong tương lai. Tiêu biểu như ông Hoàng Văn Lý, ông Nguyễn Văn Đồng…Giờ đây, nhà ông Hứa chính là nơi sinh hoạt thường niên của đội hò chèo cạn.
Dành trọn tuổi hưu để gìn giữ và phát huy
32 năm qua kể từ khi nghỉ hưu, đam mê lớn nhất của ông Trương Văn Hứa là sưu tầm, sáng tác, truyền dạy hò chèo cạn. Ông rong ruổi khắp nơi, đến các tỉnh có lối hát hò chèo cạn như Quảng Bình, Bình Định…để cảm thụ, sưu tầm. Không những vậy, ông còn truyền dạy cho lớp trẻ từ 15-16 tuổi trong làng, đảm bảo luôn có đội hình kế cận để duy trì và phát huy truyền thống của quê hương.
Lễ hội cầu ngư - hò chèo cạn dần trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống ngư dân Cẩm Nhượng và các vùng lân cận như thị trấn Thiên Cầm, xã Cẩm Lộc, Cẩm Hà…Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong năm diễn ra ở Nhượng Bạn, được tổ chức theo truyền thống từ xưa đến nay.
Vào ngày chính lễ (8/4 âm lịch), trên bến dưới thuyền tấp nập bà con ngư dân kéo nhau về dâng lễ. Lễ hội thu hút hàng ngàn lượt du khách xa gần, nhân dân trong và ngoài xã tham dự. Ngoài ý nghĩa biểu dương công đức cũng như tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với cá Ông, hò chèo cạn còn mang một nội dung khác đó là thể hiện những tâm tư, tình cảm của ngư dân trước cuộc sống đầy thách thức giữa biển cả. Đây là một sinh hoạt mang tính chất văn hóa tâm linh không thể thiếu vắng hàng năm của bà con ngư dân miền biển, xuất phát từ niềm tin và ước vọng luôn được cá Ông bảo hộ cho ngư dân làm nghề đánh bắt cá đi lại trên biển được an toàn, bình yên. Họ cầu một năm mưa thuận, gió hòa, ngư dân ra khơi bám biển gặp nhiều may mắn, tôm cá đầy khoang.
Nét đặc sắc trong Lễ hội Cầu ngư và hò chèo cạn ở xã Cẩm Nhượng, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật trong hội lễ Cầu ngư, gắn liền với tục thờ cúng cá Ông, được trình diễn trong các lễ hội của cư dân vùng biển.
Ông Trương Văn Hứa cho biết, thành viên của một đội hò chèo cạn gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng khoảng 10 đến 16 người, nhưng phải luôn luôn số chẵn. Về trang phục, Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo.
Nghệ thuật trình diễn hò chèo cạn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi. Đây là một màn diễn xướng, một loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh kết hợp với những yếu tố sôi nổi, kịch tính và cao trào của những lời ca, động tác múa.
Hình thức hò chèo cạn là đứng trong một khung thuyền ghép thanh gỗ hoặc tre có dán tượng trưng hình rồng, các thành viên trong đội gọi là “trai bạn”, vừa hò đáp “khoan hò, hò khoan…” , vừa khua mái chèo trên bãi cát, chèo từ miếu Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng ra đến mặt nước biển khoảng 150m, ở giữa thuyền có một người làm tổng mũi chỉ huy và hai người vừa làm hề vừa thể hiện các động tác tát nước, chèo…
“30 năm nay, tôi luôn giữ vai trò Tổng Mũi trong Lễ hội Cầu ngư, hiện giờ tôi đã đào tạo, truyền dạy cho một số người có thể thay thế tôi làm Tổng Mũi. Đặc biệt, thế hệ trẻ cũng thể hiện niềm say mê, yêu hò chèo cạn, đây chính là niềm vui lớn nhất của tôi” - ông Trương Văn Hứa chia sẻ.
Đặc biệt mới đây, sau thời gian dày công nghiên cứu, ông Trương Văn Hứa đã cùng với các cụ trong làng sáng tác, cải biên các làn điệu dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh lồng ghép nhuần nhuyễn vào trong hò chèo cạn Nhượng Bạn cổ. Đồng thời đa dạng hóa các chủ đề trong sinh hoạt như: Ca ngợi quê hương đất nước, nhớ ơn Đảng, Bác Hồ…phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện.
Sau gần 30 năm miệt mài cống hiến cho nghệ thuật văn hóa dân gian của ông Trương Văn Hứa, đội hò chèo cạn xã Cẩm Nhượng nay đã là CLB hò chèo cạn có tính quy mô, chuyên nghiệp. CLB không chỉ nổi danh khắp vùng biển Hà Tĩnh, mà còn tham dự và biểu diễn tại nhiều nơi, nhiều chương trình văn hóa lớn.
Ghi nhận những đóng góp hoàn toàn tự nguyện của ông Trương Văn Hứa đối với loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cùng với chính quyền địa phương đã trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, tháng 8/2019, ông Trương Văn Hứa được công nhận là Nghệ nhân dân gian.
Để làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn ngày càng hấp dẫn và thu hút được nhiều người, nhất là với thế hệ trẻ, ông Hứa cùng các thành viên trong đội tìm đến các cụ lớn tuổi ở trong làng, ngoài xã để học hỏi, sưu tầm, lắng nghe những ý kiến đóng góp về câu từ, vần điệu cho đến từng động tác di chuyển của các “trai bạn” trong đội chèo. Không những vậy, ông còn bỏ công sức đi vào tận các xã vùng ven biển phía nam sưu tầm, bổ sung thêm một số câu hò bả trạo (gần giống hò chèo cạn Cẩm Nhượng), sau đó về viết thành nhiều tập trên giấy, từng bước truyền dạy lại cho các lớp người kế cận.