Họp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
Ngày 20/12, tại TP HCM, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tổ chức họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 - 20/12/2020).
Tham dự buổi họp mặt có nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước. Cùng các vị Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam…
Trong không khí ấm áp của buổi họp mặt, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã ôn lại những trang sử hào hùng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Theo đó, dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào đấu tranh của các giới đồng bào miền Nam từ công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên, nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo... ngày càng diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi; kể cả có những người trong chính quyền và quân đội Sài Gòn trước đây cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đi theo con đường chính nghĩa, đứng về phía Nhân dân, có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, kế thừa và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm hoạt động của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã coi trọng cả 3 mũi giáp công và 3 vùng chiến lược; kết hợp nhuần nhuyễn các hình thức đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, ngoại giao nhằm phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp; nắm chắc và kiên trì thực hiện phương châm kiên cường bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, "đẩy lùi từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn".
Nhờ chi viện tối đa của quân và dân miền Bắc, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhiều nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ của nước Mỹ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã cùng với Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (thành lập ngày 20/4/1968) do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, kỹ sư Lâm Văn Tết và Thượng tọa Thích Đôn Hậu làm Phó Chủ tịch, hiệp thương thống nhất, tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam (từ 6 đến 10/6/1969, tại Tây Ninh) để cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ.
Các cơ quan này lãnh đạo quân và dân miền Nam đấu tranh làm thất bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc đã anh dũng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Đặc biệt, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đưa cả nước bước sang một kỷ nguyên mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cũng tại buổi họp mặt, bà Bùi Thị Hoàn, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã phát động hiến tặng những hiện vật liên quan đến lịch sử Mặt trận.
Ngay sau lời phát động trên, đã có 4 gia đình đã gửi tặng hiện vật cho Bảo tảng, đó là: Chiếc cặp đựng hồ sơ mỗi chuyến công tác của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; gia đình cụ Phan Nhẫn, thành viên phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris hiến tặng 2 hiện vật là Huy hiệu “Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1972” và bức ảnh “Hội nghị Paris về việt Nam”; ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên cán bộ cơ quan Trung ương Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hiến tặng chiếc rựa phục vụ công tác hậu cần trong chiến khu cho các lãnh đạo là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; gia đình cố Giáo sư Lý Chánh Trung hiến tặng 4 bài báo ghi lại không khí đấu tranh sôi sục của đồng bào miền Nam thời chống Mỹ.