Bỏ tiền mua… phế thải
Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng bỏ tiền mua hàng hóa online để rồi cuối cùng nhận được gạch, đá, ốc vít, giấy lộn... Hiện tượng này dần trở nên phổ biến khiến nhiều người bắt đầu thấy sợ không dám mua hàng qua mạng vì sợ mua phải... phế thải.
Mới đây, anh Ngọc Anh ở TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đã trình báo tới cơ quan công an việc bị đánh tráo chiếc điện thoại iphone 12 Pro Max thành... gạch đá và ốc vít, khi đến gửi tại một chi nhánh của Công ty Chuyển phát nhanh J&T. Dù khi gửi chiếc iphone trị giá gần 40 triệu đồng, anh Ngọc Anh đã cẩn thận mua thêm gói bảo hiểm hàng hóa, nhưng khi xảy ra chuyện, đơn vị chuyển phát tỏ ra thiếu trách nhiệm với khách hàng.
Tất nhiên, dù có muốn thì J&T cũng không thể trốn tránh trách nhiệm đối với anh Ngọc Anh, bởi đã nhận tiền bảo hiểm hàng hóa gần 400.000 đồng. Về nguyên tắc, khi đã nhận bảo hiểm thì dù không bị đánh tráo, chỉ bị móp méo, trầy xước, J&T cũng sẽ phải bồi hoàn cho khách hàng. Điều này đã được pháp luật về bảo hiểm quy định rất rõ. Nếu Công ty J&T từ chối đền bù cho khách hàng thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều rắc rối pháp lý.
Ngay cả trong trường hợp anh Ngọc Anh không mua gói bảo hiểm hàng hóa, nhưng khi mất đồ của khách hàng thì Công ty J&T vẫn phải bồi thường chiếc điện thoại iphone 12 Pro Max. Nếu anh Ngọc Anh không mua gói bảo hiểm hàng hóa, Công ty J&T cũng chỉ có thể chầy bửa khi chiếc iphone trị giá gần 40 triệu đồng đó bị móp méo, trầy xước, còn nếu mất thì đường nhiên sẽ phải bồi hoàn không thể chối cãi.
Vì thế, thay vì loanh quanh lẩn trốn trách nhiệm, Công ty J&T nên đối diện với thực tế, nhanh chóng làm việc và bồi hoàn lại hàng hóa cho anh Ngọc Anh. Nếu từ chối trách nhiệm, Công ty J&T không chỉ mất hết uy tín trên thương trường, mà còn phải đối mặt với một vụ kiện dân sự, thậm chí còn phải đối mặt với tố tụng hình sự vì có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đáng buồn, trường hợp gửi iphone “xịn” biến thành phế thải như anh Ngọc Anh lại không phải là lần đầu xảy ra với Công ty J&T và các đơn vị khác. Trước đó, anh Lê Văn Hiệp cũng ở địa bàn TP Cam Ranh khi gửi trả 3 chiếc điện thoại cho khách hàng ở Hà Nội qua Công ty J&T cũng đã bị đánh tráo. Thay vì nhận 2 chiếc iphone XS Max và 1 chiếc iphone X trị giá gần 40 triệu đồng, khách của anh Hiệp lại nhận toàn... đá.
Vụ việc xảy ra từ tháng 4/2020, anh Hiệp đã nhiều lần liên hệ với Công ty J&T nhưng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Nếu chỉ riêng có trường hợp mới đây của anh Ngọc Anh, Công ty J&T còn có thể bao biện rằng do bận nhiều việc nên chưa kịp xử lý khiếu nại cho khách hàng. Song, trường hợp của anh Hiệp xảy ra từ cách đây 8 tháng mà đơn vị này vẫn lơ đi không giải quyết chứng tỏ có ý đồ trốn tránh trách nhiệm.
Nếu như anh Ngọc Anh và anh Hiệp bị đổi tráo hàng khi gửi chuyển phát nhanh, thì một số khách hàng lại bị chính người bán hàng online lừa đảo. Sau khi các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee... không cho khách hàng được đồng kiểm thì nhiều chủ cửa hàng đã lợi dụng để “treo đầu dê, bán thịt chó”. Họ quảng cáo hàng xịn, hàng tốt, rồi sau đó chuyển cho khách hàng hàng rởm, kém chất lượng.
Điều đáng nói là khách hàng sau khi trả tiền thì rất khó để đổi trả lại hàng, bởi nhiều sàn thương mại điện tử còn thiếu trách nhiệm. Hiện, chỉ có sàn thương mại điện tử Tiki chấp nhận cử nhân viên đến tận nơi giao hàng để nhận lại sản phẩm bị lỗi, sản phẩm không đúng như yêu cầu của khách hàng. Còn lại Lazada, Shopee đều bắt khách hàng phải tự mang ra bưu điện bỏ tiền túi ra gửi trả lại cho chủ hàng.
Việc các sàn thương mại điện tử vừa không cho đồng kiểm, lại không chịu trách nhiệm với khách hàng khi sản phẩm rởm, sai, hỏng chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số chủ gian hàng cố tình lừa đảo khách hàng. Không chỉ là bán giá hàng xịn chuyển hàng rởm, một số đối tượng còn chuyển gạch, giấy vụn cho khách hàng thay vì món hàng người tiêu dùng đã đặt qua sàn thương mại điện tử.
Đó chính là lý do mới đây, Bộ Công thương và một số cơ quan hữu trách đã lên tiếng yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải cho khách hàng đồng kiểm để tránh tình trạng lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Song, không chỉ hô hào mà còn cần có hành lang pháp lý đủ chặt để chế tài, cùng với cơ quan hữu trách thực sự “xắn tay” vào cuộc “điều trị” những sàn thương mại điện tử thiếu trách nhiệm, những cá nhân gian dối.