Đặt tên đúng cho tộc danh, tộc người

Dạ Yến (ghi) 21/12/2020 09:53

Theo ông Lù Văn Que, hiện đã có 33 tỉnh có văn bản kiến nghị xem lại tộc danh, tộc người cũng như đặt tên cho từng dân tộc ở địa phương.

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, khoá IX, góp ý vào báo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc, ông Lù Văn Que, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần hiểu khái niệm một cách rộng rãi về người tiêu biểu chứ không nên hành chính hoá việc này, chẳng hạn, việc quy định 1 bản chỉ có 1 người tiêu biểu, có chế độ phụ cấp cho người đó là “chưa hay” và cần phải nghiên cứu lại.

Vì đây là việc người dân họ tự chọn ra người tiêu biểu của họ. “Nếu can thiệp theo kiểu hành chính hoá trong việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của những “cánh tay nối dài của Mặt trận” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Lù Văn Que khẳng định.

Theo ông Lù Văn Que, công tác dân tộc cần xác định lại một số tộc người. 40 năm nay, chúng ta công bố 54 dân tộc, nhưng bây giờ có một số dân tộc chưa có tên trong danh sách này, vì đã ghép tên vào một số dân tộc khác, hoặc được đặt tên khác.

“Người Dao có rất nhiều dân tộc Dao nhưng họ thống nhất gọi là dân tộc Dao, người Mông cũng vậy, nhưng không phải dân tộc nào họ cũng thuận tình với việc ghép tên, ví dụ như Cao Lan là Cao Lan, Sán Chỉ là Sán Chỉ chứ đồng bào họ không muốn ghép thành Sán Chay”, ông Que nêu ý kiến.

Cũng theo ông Lù Văn Que, hiện đã có 33 tỉnh có văn bản kiến nghị xem lại tộc danh, tộc người cũng như đặt tên cho từng dân tộc ở địa phương của họ.

Dạ Yến (ghi)