Để Mặt trận gần dân, hiểu dân hơn
Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ quan tâm đến các cấp cơ sở nhiều hơn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công việc được giao, MTTQ ngày càng gần dân và hiểu dân hơn.
Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam cho biết, thời gian qua, các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá rất cao Chính phủ Việt Nam cũng như vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cứu trợ, khắc phục thiệt hại từ mưa lũ miền Trung và chống xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Hội nghị lần này, với tư cách đại diện cho Hội về Người khuyết tật Việt Nam, bà Đặng Huỳnh Mai kiến nghị, hiện nay, tỉ lệ người khuyết tật Việt Nam khá cao (chiếm trên 10% dân số cả nước). Do đó, MTTQ Việt Nam cần quan tâm hơn đến cơ chế, chính sách cho người khuyết tật Việt Nam, đưa vào trong nội dung, triển khai Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cần bàn thêm về quy chế của cán bộ làm công tác Mặt trận tại các xã. Bởi vai trò của Mặt trận này càng được nâng cao và khối công việc ở cấp xã là rất lớn, trong khi số lượng cán bộ làm công tác Mặt trận cấp xã còn hạn chế. Do đó, bà Đặng Huỳnh Mai mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ quan tâm đến các cấp cơ sở nhiều hơn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công việc được giao, MTTQ ngày càng gần dân và hiểu dân hơn.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, trong năm qua, MTTQ Việt Nam đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Với tinh thần, trách nhiệm của mình, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động, phong trào do MTTQ Việt Nam phát động như phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả từ thiên tai, bão lũ.
Trong báo cáo tổng kết, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, MTTQ Việt Nam cần đánh giá rõ vai trò của các tổ chức thành viên đối với MTTQ Việt Nam, nêu rõ sự chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên, tạo được cách làm chung trong công tác Mặt trận, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
“Thông qua những hoạt động, kết quả cụ thể trong sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên một lần nữa khẳng định rằng, MTTQ Việt Nam là tổ chức không thể thiếu được trong lòng dân, Đảng không thể thiếu được vai trò của MTTQ Việt Nam trong tổ chức, triển khai các hoạt động của mình”, bà Chuyền nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho rằng, trong năm qua, MTTQ Việt Nam đã đóng góp rất tích cực và có trách nhiệm những ý kiến của nhân dân trước Quốc hội. Ý kiến phản ánh rất rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân và được người dân ghi nhận, được Quốc hội tiếp thu rất trách nhiệm. Đây là điểm nhấn trong thành tựu chung của MTTQ Việt Nam đã đạt được và cần được nêu bật trong báo cáo tổng kết.
Nêu ý kiến, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, có những ý kiến khác khau với một vấn đề khá quan trọng đó là vấn đề quốc tịch đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của quốc tịch, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch của Việt Nam đã được hình thành từ rất sớm, khẳng định chủ quyền quốc gia về quốc tịch, Nhà nước sử dụng quy phạm pháp luật để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quốc tịch, tạo khung hành lang pháp lý vững chắc cho Nhà nước trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam định cư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Bình, nguyên tắc cứng mỗi người chỉ được một quốc tịch trong khi mong muốn của bà con kiều bào là được giữ lại quốc tịch gốc. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn để đảm bảo quyền lợi cũng như niềm mong mỏi thiết tha của hơn 5 triệu bà con là người Việt Nam ở nước ngoài.