Hướng đi nào cho tài năng kịch nói?
Kịch nói vốn được xem là “mũi nhọn” của sân khấu Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, việc tạo cơ hội tỏa sáng cho các tài năng trẻ ở lĩnh vực này vẫn đang là thách thức với nhiều nhà hát.
Nhìn từ một cuộc thi
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc – 2020 có sự góp mặt của 63 diễn viên với 50 trích đoạn đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật công lập và tư nhân. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các đơn vị kịch xã hội hóa đã rất tích cực khi mang đến 17 tiết mục dự thi với 25 thí sinh tham dự.
Một số đơn vị, nhà hát đăng ký dự thi với số lượng diễn viên trẻ cao như Nhà hát Kịch Hà Nội có 9 thí sinh, Nhà hát Kịch Việt Nam 9 thí sinh, Sân khấu Kịch Quốc Thảo (TP. Hồ Chí Minh) 9 thí sinh, Nhà hát Tuổi trẻ với 7 thí sinh…
Ngoài ra, đề tài đăng ký dự thi của các thí sinh khá đa dạng, phong phú như cổ điển nước ngoài, dân gian lịch sử Việt Nam, chiến tranh, hậu chiến và cả phản ánh hơi thở cuộc sống hôm nay. Ở đó, thông qua các trích đoạn dự thi của các tài năng diễn viên trẻ cũng cho thấy xu hướng thưởng thức của khán giả hiện nay. Đó là, đến sân khấu để thưởng thức nghệ thuật hoặc để giải trí.
Theo Chủ tịch Hội đồng Giám khảo NSND Lê Minh Ngọc, thông qua cuộc thi đã thấy rất rõ niềm đam mê được sống với nhân vật trên sàn diễn, thấy được tình yêu mãnh liệt mà các bạn trẻ dành cho nghệ thuật biểu diễn, những cảm xúc với nhiều cung bậc được nghệ sĩ thể hiện hết mình.
Tuy nhiên, theo NSND Lê Minh Ngọc: Cuộc thi cho thấy từ “nhận thức” đến “thể hiện” còn có khoảng cách khiến nhiều nghệ sĩ trẻ tuy có ngoại hình, đài từ tốt, nhưng thiếu chiều sâu biểu cảm. Các diễn viên trẻ mới chỉ phác thảo nét vẽ nhân vật chứ chưa tạo dựng ra được hình tượng sống động, chân thực…
Nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng đòi hỏi ở người nghệ sĩ, diễn viên phải có khả năng cảm thụ thực sự đối với tất cả những diễn biến xung quanh mình, liên quan đến nhân vật mình thủ vai. Rất cần một khả năng chân thành trong biểu cảm, trong thể hiện vẻ ngoài của hành động, để đạt tới hiệu quả chân thực.
Tìm cơ hội tỏa sáng
Thực tế đáng buồn là hiện nay nhiều diễn viên trẻ lĩnh vực kịch nói đang tỏa sáng hoặc được biết đến đều bằng những nghề tay trái như diễn viên truyền hình, điện ảnh, tham gia các gameshow, người mẫu. Không những vậy, thực tế tại cuộc thi vừa qua với các đơn vị nghệ thuật công lập thì đa phần các diễn viên trẻ tham gia dự thi đều chưa được tuyển vào biên chế chính thức. Đó là lý do một số đơn vị đã phải tìm đủ mọi cách để giữ chân nghệ sĩ như ký hợp đồng làm việc theo dự án, theo chương trình...
Khó khăn này không chỉ xảy ra với diễn viên trẻ kịch nói mà là thực tế “nghiệt ngã” của nhiều loại hình sân khấu khác. Mặc dù theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo nhà hát, đơn vị luôn tạo điều kiện thử sức cho các diễn viên trẻ với các vai diễn tâm đắc.
Bên cạnh chăm lo để các bạn trẻ có cơ hội thử sức tại các cuộc thi. NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: Chúng tôi tạo mọi điều kiện giúp cho các thí sinh có phần dự thi tốt nhất, như bố trí địa điểm tập luyện, cùng các nghệ sĩ gạo cội tham gia góp ý, trao đổi và sẵn sàng diễn trợ giúp vai phụ trong các tiết mục...
Dù đã giải quyết bước đầu về lực lượng kế cận nhưng sân khấu kịch nói vẫn đang cần những “cú hích” để tìm được hướng phát triển xứng tầm. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi: Để giải quyết vấn đề này các nhà quản lý phải nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn mới có được những định hướng chiến lược.
Đó không phải công việc ngày một ngày hai. Thậm chí, muốn thu hút nhân tài, chúng ta cũng cần nâng cao đời sống anh chị em nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật, để các em nhìn vào thực tế người đi trước thì sẽ có thêm khả năng hấp dẫn. Cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người, đưa vào định biên…
Cũng theo NSND Thúy Mùi, điều cơ bản nhất của mỗi nhà hát vẫn là tác phẩm hay, tác phẩm có sức sống trong xã hội, từ đó nâng cao về cơ bản vị trí cũng như mức sống cho nghệ sĩ. Được diễn nhiều, diễn liên tục, thù lao từ những đêm diễn xứng đáng, mới là đòi hỏi chính đáng cần được đáp ứng của nghệ sĩ.
Những thu nhập từ các đêm diễn mới đủ kích thích sự hưng phấn, lửa nghề với họ khi mức độ đãi ngộ tùy thuộc vào tài năng, vào sự cống hiến của mỗi cá nhân. Khi các em được tôn vinh trên sân khấu, sống hết mình với các nhân vật, sống trong sự yêu mến của khán giả, tự có được thương hiệu nghệ thuật riêng, đó mới là lực hút đủ mạnh để người tài đến với sân khấu.
Hiện nay, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật vẫn bị khống chế chi tiêu, khống chế nhân sự, thậm chí không cho phép ký hợp đồng với các cá nhân, đây là điều rất bất hợp lý. “Sân khấu là “bánh đúc bày sàng”, rất cần tới sự thanh xuân. Chẳng thế mà dân gian vẫn có câu “thầy già con hát trẻ”. Vì thế, cần sự tháo gỡ từ khâu tổ chức thì mới có thể thu hút diễn viên trẻ có tài gắn bó với nghệ thuật sân khấu đang trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay”, NSND Thúy Mùi nói.