Món ăn bài thuốc bổ dưỡng chống rét
Trời lạnh, lựa chọn chế biến một số món ăn bài thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng cường nhiệt lượng, ôn ấm tỳ vị chống lại thời tiết bên ngoài, đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.
Theo Sức khỏe đời sống, ThS.BS. Lê Thị Hương cho biết, khi tiết trời giá lạnh, việc lựa chọn và chế biến các món ăn nóng hổi là hết sức quan trọng, vừa có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường nhiệt lượng, ôn ấm tỳ vị chống lại thời tiết bên ngoài, đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.
Sau đây là một số món ăn bài thuốc bổ dưỡng nguyên khí, tráng dương sinh tân, dưỡng da chống lạnh để cả nhà cùng thưởng thức.
Lẩu nhân sâm: Xương sườn heo 1kg, xương ninh lấy nước dùng làm nước lẩu. Nhân sâm 20g, hoàng kỳ 20g, hạt tiêu 3g, đinh hương 3g. Khi nước xương sôi hớt bớt bọt, cho nhân sâm đã được rửa sạch cùng với các vị thuốc trên vào nồi tiếp tục đun thêm 1 giờ nữa cho xương ra hết chất ngọt, nhân sâm và các vị thuốc tiết ra các chất bổ dưỡng thành nước dùng để nhúng các loại thịt như thịt dê, thịt gà, thịt lợn nạc, tôm..., ăn cùng rau thơm, ngồng cải, những loại rau mà bạn thích.
Lẩu thịt dê: Xương dê 500g, thịt dê 1-2kg, nhân sâm 20g, kỷ tử 5g, đại táo 5g, ý dĩ 3g, bạch truật 3g, nấm hương 10g. Xương dê đem rửa sạch, cho vào nồi nước sôi chần sơ qua để loại bỏ bớt mùi hôi. Sau đó cho vào một nồi nước hầm, ninh để lấy nước dùng.
Thịt dê rửa sạch, thái thành từng miếng mỏng, ướp với một ít gừng và rượu để khoảng 30 phút để khử bớt mùi của thịt dê. Tiếp theo, bạn lấy thịt dê ra, chắt bỏ nước gừng và rượu ướp thịt. Cho thịt dê vào nồi nước lẩu đun tiếp. Lẩu thịt dê ăn cùng rau cải, khoai môn, củ sen, đậu phụ tươi.
Lẩu gà trống: Gà trống 1 con, làm sạch, chặt miếng vừa ăn, xếp thịt gà lên đĩa. Phần đầu, cổ gà, chân cho vào nồi cùng với 500g xương heo, ninh lấy nước dùng làm nước lẩu. Nhân sâm 20g, hoàng kỳ 10g, cam thảo 3g, đại táo 3g, bạch quả 2g, nêm muối, hạt tiêu, gừng tươi, rượu cái cho vào nồi nước lẩu ăn cùng rau ngải cứu, cải cúc, đậu bắp, nấm tươi.
Ngoài lẩu nhân sâm, bạn có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc sau thích hợp trong mùa đông lại đơn giản dễ làm:
Canh mộc nhĩ với kỷ tử: Mộc nhĩ trắng 20g rửa sạch, kỷ tử 30g, hai thứ đem hấp với đường phèn rồi ăn nóng. (Rất thích hợp với những người mắc các bệnh đường hô hấp, da hay bị nứt nẻ vào mùa đông).
Bong bóng cá hầm: Bong bóng cá loại to, làm sạch rồi cho vào nấu chín, sau đó thái thành sợi, thêm gừng, gia vị vừa đủ, cho vào nồi hầm cùng với các loại thịt khác như thịt lợn, thịt bò, thịt dê... ăn nóng.
Bồ câu hầm: Chim bồ câu 1 con, ba kích, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 20g, thêm nước hầm mềm. (Món dược thiện này dược tính ôn nhiệt, những người có thể chất nóng trong không dùng).
Gà hấp gạo nếp: Gà làm sạch, thêm gia vị vừa đủ, hầm chín. Gạo nếp 500g, ngâm khoảng 3-4 giờ cho gạo mềm.
Cho gạo vào vỉ, dưới đổ nước hầm gà, trên rải thịt gà đã hầm, đậy nắp, cho vào nồi hấp cách thủy, trước tiên đun to lửa cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun khoảng 50 phút là được, ăn thịt gà cùng với xôi.
Cháo gừng: Gạo tẻ 60g. Gạo vo sạch cho nước vừa đủ nấu thành cháo. Gừng tươi rửa sạch thái thành hạt nhỏ. Cháo chín cho gừng vào, nêm gia vị, hành lá, khuấy đều ăn nóng.
Canh cá chép đậu đỏ: Cá chép tươi 500g, đậu đỏ 100g, vỏ quýt, gừng tươi, vừa đủ, nấu thành canh, ăn nóng.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh mùa đông
Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp, thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm khuẩn hô hấp. Vì vậy, khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh. Cần giữ môi trường không khí trong nhà và nơi làm việc sạch, được luân chuyển để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp qua không khí.
Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp và dễ mắc bệnh. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.
Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Trong mùa đông, không nên đi tập quá sớm (trước 5 giờ sáng) và quá muộn (sau 21 giờ). Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn răng miệng, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Tiêm vaccine và dùng thuốc: Việc tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, tiêm vắc-xin phế cầu (5 năm một lần), vaccine phòng vi khuẩn haemophilus làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm khuẩn hô hấp.
Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc aspirin, một số thuốc kháng viêm không steroids khác khi đã từng xuất hiện cơn hen khi sử dụng với những thuốc này. Những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có rối loạn thông khí tắc nghẽn không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.