‘Lập xóm mới’ trên đất nông nghiệp?
Xây nhà trên đất ao, dựng nhà xưởng trên kênh dẫn nước, trên đất nhà hàng xóm; chiếm dụng hàng chục nghìn m2 đất công…, đó là các kiểu vi phạm đất đai đang diễn ra tràn lan, phổ biến ở xã Yên Đồng (Ý Yên, Nam Định) trong khi chính quyền sở tại không có các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả…
Từ con đường trục liên xã ngang qua địa bàn xã Yên Đồng, rẽ vào làng Tràn, chúng tôi gặp bên phải đường làng một khu dân cư khá khang trang, đường đi lối lại đổ bê-tông; đường điện giăng mắc, nhà cửa san sát; những ngôi nhà ở mặt đường tận dụng mặt tiền kinh doanh một số dịch vụ, biển hiệu quảng cáo rất đẹp mắt.
Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Nguyễn Hoàng Hà, cán bộ Địa chính xã Yên Đồng cho biết, đây đều là những hộ nằm trong “sổ đen” của chính quyền xã về vi phạm đất đai.
Theo ông Hà, khu đất rộng cả chục nghìn m2 này vốn là đất ao, đất nuôi thủy sản, nhưng từ năm 2016 đến nay có 16 hộ dân ở các xóm 27, 28, 29, 30, 31 đã tự ý san lấp, xây tường bao, xây nhà ở và các công trình phụ trợ khác, biến nơi đây thành một khu xóm mới.
Trong đó, ngoài hộ ông Đặng Văn Thường, xóm 30 vi phạm từ năm 2016, 15 hộ còn lại đều vi phạm, san lấp, xây dựng công trình trong năm 2019 và các trong năm 2020 mới đây. Cũng theo thống kê của xã, trong số 16 hộ ngang nhiên vi phạm trên, mới chỉ có 3 hộ tái phạm hồi tháng 3/2020 bị giải tỏa; 1 hộ vi phạm cũng vào thời điểm tháng 3/2020 được giải tỏa một phần vi phạm.
Cũng liên quan đến vi phạm pháp luật về đất đai ở xã Yên Đồng, thời gian qua, gia đình ông Đặng Xuân Tớn, ở xóm 31 rất khổ sở, làm đơn “cầu cứu” khắp nơi nhờ bảo vệ quyền lợi về đất đai của mình.
Cụ thể, từ lâu gia đình ông được giao canh tác thửa ruộng rộng 145 m2, nằm ở khu vực Cống Đá. Lợi dụng việc ông Tớn vắng nhà, hàng xóm là ông Đặng Văn Mạnh đã ngang nhiên xây dựng nhà xưởng kiên cố trên bờ mương dẫn vào khu ruộng của ông Tớn và cánh đồng phía sau.
Không những thế, ông Mạnh còn xây dựng nhà xưởng trên đất ruộng của ông Tớn, vô hiệu hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đây trong khi trưởng xóm, chính quyền xã không phát hiện, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, để vi phạm ngang nhiên tồn tại.
Một sự việc khác, thể hiện rất rõ sự ngang nhiên, thách thức pháp luật của người vi phạm, sự bất lực của chính quyền địa phương trong thực thi, bảo vệ pháp luật về đất đai, đó là tại khu vực xứ đồng Quán (thôn La Ngạn), chính quyền xã Yên Đồng được giao quản lý một diện tích hàng chục nghìn m2 đất thùng đào.
Thời điểm từ năm 2011 trở về trước, chính quyền xã thực hiện giao khoán thầu diện tích đất trên cho gia đình anh em các ông Đoàn Duy Tình, Đoàn Duy Phiên (người địa phương, để nuôi trồng thủy sản, trồng cấy). Đến năm 2011, sau một cuộc thanh tra về đất đai, việc giao thầu khu đất trên giữa chính quyền và gia đình chấm dứt.
Sau đó, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư về nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, một doanh nghiệp đã về địa phương xin đầu tư xây dựng nhà máy may trên khu đất trên. Chính quyền địa phương đã lập dự án, lên phương án giải phóng mặt bằng khu đất trên. Tuy nhiên, sau đó chính quyền không thể giải phóng được mặt bằng, chỉ với lý do anh em ông Tình, ông Phiên không chịu trả đất dù hợp đồng giao thầu đã chấm dứt từ nhiều năm trước; tự ý xây nhà, canh tác, hưởng lợi từ đó đến nay.
Không thể đợi mặt bằng được lâu thêm, nhà đầu tư đã tìm đến địa phương khác để đầu tư. Nhiều nhà đầu tư khác khi về địa phương tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu ngân sách cho địa phương bị anh em ông Tình, ông Phiên “dội gáo nước lạnh” bằng việc “đòi bồi thường” cả chục tỷ đồng, dù khu đất trên đang là đất công, do chính quyền xã quản lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng thừa nhận tại địa phương đang diễn ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai kể trên.
Lý giải nguyên nhân chính quyền không ngăn chặn kịp thời tình trạng nhiều hộ dân ngang nhiên xây nhà, lập xóm mới trên đất ao, đất ruộng, ông Phạm Quốc Huy cho biết, do những hộ vi phạm “có rất nhiều bài, mẹo mực để đối phó với chính quyền”.
“Họ lập bàn thờ trên đất vi phạm, làm sẵn khung, mái nhà lợi dụng đêm tối để dựng lên. Khi người của chính quyền đến thì họ đã dựng nhà xong rồi” - ông Huy phản ánh.
Xung quanh việc ông Đặng Văn Mạnh ngang nhiên xây nhà trên bờ kênh tiêu nước và đất ruộng của hàng xóm, chúng tôi ngạc nhiên khi Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho rằng, lỗi một phần do người có ruộng “không quan tâm, chăm nom” để người khác lấn chiếm trong khi đất đai thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền. Giờ, xã chỉ còn cách hướng dẫn ông Tới khởi kiện ông Mạnh ra tòa.
Cũng theo ông Huy, việc ông Mạnh xây nhà trên kênh tiêu nước chưa được xử lý một phần do cán bộ xóm còn trẻ, mới nhận công tác, chưa chịu nhận bàn giao sau đo đạc của xã, nên chưa đủ điều kiện giải quyết.
Về việc xã không thể thu hồi, giải phóng mặt bằng đối với hàng chục nghìn m2 đất thùng đào do xã đang quản lý (nhưng đang bị anh em ông Tình, ông Phiên sử dụng trái phép), ông Phạm Quốc Huy lý giải, chính quyền “không dám mạnh tay” vì sợ bị… chống đối.