Gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo
“Gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo là lời giải hữu hiệu nhất cho chiến lược phát triển an ninh năng lượng quốc gia” – đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà khoa học tại Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững” do Bộ Công thương tổ chức sáng 22/12, tại Hà Nội.
Bộ Công thương cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức:
Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng.
Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn.... Những yếu tố này cho thấy, các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn dẫn đến tăng giá thành; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý…
Đánh giá về tình hình an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm, cùng với quá trình phát triển của đất nước, an ninh năng lượng của Việt Nam ngày càng được tăng cường, từ một nước nhập khẩu năng lượng, từ thực trạng thiếu điện triền miên, phải thực hiện cắt giảm điện luân phiên, đến nay về cơ bản nguồn cung điện đã đáp ứng đủ cho nhu cầu.
“Tuy nhiên, thực tế, hệ thống vẫn tiềm ẩn khả năng cung cấp thiếu hụt điện năng khi gặp những năm ít nước do tỷ trọng thuỷ điện lớn; các nguồn điện vào chậm có thể xảy ra thiếu điện trong giai đoạn tới. Hệ thống điện còn có một số nguy cơ có thể dẫn đến rã lưới, gây mất điện trong một diện rộng trong thời gian ngắn. Chất lượng điện còn thấp đối với các hộ có yêu cầu chất lượng cao” – ông Vy nhận định.
Theo vị chuyên gia này, để có thể đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện. “Đặc biệt, cần thiết có thể lập các dự án thực hiện chuyển một số nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối... Một nhà máy điện than thực hiện thí điểm đốt kèm sinh khối, trường hợp hiệu quả sẽ mở rộng áp dụng tại các nhà máy trong Tập đoàn EVN” – ông Vy đề xuất.
Cũng khẳng định những dự án năng lượng tái tạo chính là lời giải hữu hiệu cho bài toán “an ninh năng lượng bền vững” - ông Nguyễn Huy Vượng, Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, việc phát triển các nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối cần phải được chú trọng trong thời gian tới, bởi rõ ràng ai cũng thấy rõ nhiệt điện và thủy điện sẽ không còn chiếm ưu thế.
“Hiện nay chúng tôi đang xây dựng các chương trình cho mục tiêu phát triển bền vững. PVN có thế mạnh khai thác các dự án ngoài khơi xa bờ, trên cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm vốn có của PVN sẽ có rất nhiều lợi thế để xây dựng các dự án điện gió nước sâu xa bờ” - ông Vượng nói.