Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 23/12, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Sau hơn 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp, số người tham gia BH thất nghiệp ở nước ta liên tục tăng qua từng năm.
Đặc biệt, trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua, khi nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, chính sách BH thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật, giúp lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí...
Thống kê sơ bộ từ Bộ LĐTBXH cho thấy, chỉ tính đến hết tháng 10 năm 2020, Quỹ BH thất nghiệp đã chi trực tiếp gần 13 nghìn tỷ đồng cho người lao động. Dự kiến, hết năm 2020, sẽ có hơn 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động; hàng triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện BH thất nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BH thất nghiệp (Cục Việc làm Bộ LĐTBXH), tính đến hết tháng 11/2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251 nghìn người, với tổng chi là hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nằm trong dự tính phương án tài chính khi xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm.
Ông Trần Tuấn Tú cho biết, nguyên nhân do mức hỗ trợ học nghề hiện nay thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Mặt khác, tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề; cũng chưa thực hiện hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Do đó, chưa hấp dẫn người lao động tham gia học nghề. Bên cạnh đó, trong thời gian học nghề thì vẫn phải trang trải cuộc sống mà lại không có đủ tài chính nên đa số không thật sự “mặn mà” với việc học nghề, dẫn đến những hạn chế.
Được biết, hiện Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật về việc làm, BH thất nghiệp, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là các hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động nhằm đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.