Tín dụng bật tăng!
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới hạn mức tín dụng lần thứ hai cho một số ngân hàng thương mại vào tháng cuối năm. Điều này cho thấy các tín hiệu tích cực từ tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng tung vốn giá rẻ
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, nếu như 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 3,65% thì đến ngày 17/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,22%, ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 5,81%, thương mại dịch vụ ước tăng khoảng 8,2%.
Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến ngày 30/10/2020 ước tăng 6,5%; xuất khẩu ước tăng khoảng 10%; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tăng 7,21%; công nghiệp hỗ trợ ước giảm 3,83%; với lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao ước giảm 0,81%.
Cũng theo ông Anh, một số tổ chức tín dụng đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại, nhiều nhu cầu vốn mới đã xuất hiện. Đây được xem là tín hiệu tốt, báo hiệu một sức bật mới về tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Và để chạy đua kích cầu tín dụng, điều đáng nói là bên cạnh việc tung ra những gói hỗ trợ lãi suất quy mô nghìn tỷ đồng, một ngân hàng đang chuyển hướng tập trung vào cho vay cá nhân, nhất là cho vay mua nhà, mua xe.
Chẳng hạn, VPBank đang cho vay mua ôtô đối với DN nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 5,9% trong 3 tháng, 6,9%/năm trong 6 tháng và 8,3%/năm trong thời gian 12 tháng. Khách hàng cá nhân vay mua ô tô 24 tháng cũng chỉ phải trả lãi suất 8,5%/năm.
Trên thị trường, hàng loạt ngân hàng như VIB, TPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Shinhan Bank… đã tung ra các gói cho vay hết sức ưu đãi để mua nhà, mua xe.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank nhận định, động lực tăng trưởng của các ngân hàng giai đoạn này là tín dụng cá nhân và tín dụng DN nhỏ và vừa. Từ đầu quý IV/2020, VPBank đẩy mạnh tăng trưởng phân khúc này. Dự kiến, tổng dư nợ cho vay cá nhân và DN nhỏ và vừa trong năm 2020 tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
Vẫn theo ông Vinh, Covid-19 là thách thức, song cũng là phép thử với các ngân hàng. Việc lựa chọn được những phân khúc khách hàng tốt, những sản phẩm tốt trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi trở lại sau dịch sẽ giúp các ngân hàng bứt phá. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong lựa chọn chiến lược sản phẩm, phân khúc khách hàng, kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Còn theo TS Châu Đình Linh, đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm. Các ngành nghề cũng đang lấy lại động lực từ thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu dùng, chính sách đầu tư công…
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Theo TS Cấn Văn Lực, việc hỗ trợ lãi suất mạnh hơn cho DN đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là cần thiết, đặc biệt là các DN lớn, có nhiều lao động, hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất giảm dần là điều kiện tích cực để kích cầu tín dụng tăng trưởng trong những ngày còn lại của năm 2020 - đây là quãng thời gian kinh doanh cao điểm nhất trong năm. Ngành ngân hàng cũng cam kết sẽ cung ứng đủ vốn cho DN cũng như nền kinh tế.
Theo NHNN, từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn từ đó có điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với nền kinh tế, trên cơ sở diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4%/năm; Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm.
Đáng quan tâm NHNN cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn.
Việc điều hành giảm các mức lãi suất nêu trên cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho DN và người dân.