Hành trình phía trước
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, riêng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ đạt 35,3 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Chủ tịch Vitas cũng bày tỏ sự lạc quan về “hành trình phía trước” khi hy vọng rằng thời gian tới với việc quay lại thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra động lực cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Đánh giá cao về những nỗ lực của các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, khi dịch Covid-19 tác động ở giai đoạn đầu thì bức tranh của ngành dệt may Việt khá u ám. Nhưng cho đến nay, sau khi kiểm tra lại các số liệu thống kê cho thấy những con số khả quan của ngành dệt may, nhất là với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ.
Theo báo cáo 10 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công thương, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Mỹ.
“Thành công này một phần đến từ việc hai bên tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hoá và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau” - ông Hải cho biết.
Còn ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng nền kinh tế của Mỹ đã khôi phục trở lại sau những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Thu nhập của người dân Mỹ đang tăng dần lên và mức độ chi tiêu của cũng vậy. Đó chính là điểm tích cực để hàng hoá Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu thị trường này.
Ông Sơn dự báo trong năm 2021, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất thế giới với nhu cầu hết sức đa dạng, nhưng yêu cầu cạnh tranh cũng sẽ cực kỳ gay gắt. Tuy nhiên, để gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp cũng nên để ý nhiều đến những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng nước này hậu Covid-19.
“Thị trường Mỹ dù cho phục hồi thì việc mở cửa vẫn thực hiện từng bước, đặc biệt là trong các chính sách phòng vệ thương mại. Hoặc như các cạnh tranh về giá, thanh toán, bao bì, vận chuyển... Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần theo dõi sát sao” - ông Sơn lưu ý.