Độc đáo những ý tưởng khởi nghiệp của giới trẻ
Khép lại vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên (HSSV) với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020, Ban Tổ chức (BTC) đã trao 20 giải thưởng cho các dự án xuất sắc.
Trong đó, giải Nhất khối SV là dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; giải Nhất khối HS là dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ”.
Ý tưởng mang tính ứng dụng cao
Theo BTC, có gần 600 ý tưởng dự án khởi nghiệp gửi đến Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2020.
Trong đó, có hơn 80 dự án thuộc 8 lĩnh vực được trưng bày: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh khác. Bài dự thi của HSSV các trường khá chất lượng, đa dạng.
Góp mặt trong vòng chung kết cuộc thi, nhóm HS Trường THCS Lê Bình (xã Tân Mỹ Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã biến sản vật địa phương thành dự án khởi nghiệp đầy thuyết phục. Không dừng lại ở chuyện bài vở, lý thuyết suông, một nhóm học sinh lớp 8 của trường đã đưa món nước chấm cua đồng Hương Sơn hay còn gọi là “nước chấm của người nghèo” lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020.
Chia sẻ về dự án, em Nguyễn Thị Nga (học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Bình) - thành viên trong nhóm khởi nghiệp cho biết, ý tưởng sản xuất nước nắm cua đồng Hương Sơn xuất phát từ sự sáng tạo của người dân đầu sông Ngàn Phố - nơi có khí hậu “đặc biệt” nên con cua, con cá có vị rất khác lạ. Nắm bắt được điểm đặc biệt cùng việc nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm cao nên nhóm học sinh đã quyết định thực hiện dự án đến cùng.
Đánh giá về giải Nhất của khối HS, TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk cho biết, việc dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của các học sinh đến từ Trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt (TP Buôn Ma Thuột) xuất sắc vượt qua hơn 200 dự án khối học sinh (THCS và THPT) để giành giải Nhất đạt thành tích trên đã thể hiện tính hiệu quả của việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường, của Sở GDĐT.
Sắp tới đây, các sản phẩm của dự án sẽ được sử dụng rộng rãi tại căng tin của Trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt, các trường học, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Khởi nghiệp gắn với nghiên cứu khoa học
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nếu ở bậc phổ thông, các nghiên cứu khoa học thường gắn nhiều hơn với hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cùng giờ học bộ môn thì ở bậc ĐH, nghiên cứu đã rõ nét hơn. Nhiều nghiên cứu không chỉ dừng lại ở cái hay, lạ, hướng về cộng đồng mà còn là những giá trị kinh tế, là nguồn lợi thu về nếu được đầu tư phát triển sản xuất. Thật mừng là nghiên cứu khởi nghiệp của các bạn trẻ đều hướng đến xanh và sạch.
Đơn cử như với ý tưởng sản xuất giấy từ thân cây chuối, dự án “Phế phẩm nông nghiệp -tài nguyên cho giấy bao bì” của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc vượt qua hơn 600 dự án khác để giành giải Nhất cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp 2020.
Giờ đây, nghiên cứu khoa học gắn với khởi nghiệp ở trường ĐH ngày càng được chú trọng. Các hoạt động đổi mới đào tạo đã gắn kết với nghiên cứu và khởi nghiệp từ chính những nội dung đào tạo, đến hoạt động kỹ năng mềm cho sinh viên.
Đơn cử như trước đó, đề tài “Vật liệu xanh GPN” đến từ nhóm sinh viên Khoa Công trình (Trường ĐH Thủy lợi) đã trở thành nhà vô địch tại Cuộc thi “Sinh viên Thủy lợi với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020.
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi chia sẻ: Cuộc thi “SV ĐH Thủy lợi với ý tưởng khởi nghiệp” là sân chơi trí tuệ, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho SV trong thời gian học tập tại trường.
Tại cuộc thi qui mô trường, có tới 30 đề tài tham gia và 11 báo cáo xuất sắc lọt vào vòng bán kết cuộc thi, trong đó, có 6 đề tài được BTC lựa chọn đi tiếp vào vòng chung kết là Chuỗi cung ứng nhựa sinh học B-SHINE; Nước rửa chén Sapowash; Hệ thống thông tin các hoạt động TLU; Vật liệu xanh GPN; VAC - Trợ lý gia đình; Tranh hạt coco handmade…
Nhận định về phong trào nghiên cứu khoa học gắn với khởi nghiệp đang lớn mạnh trong các nhà trường, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GDĐT) cho rằng: Từ các cuộc thi khởi nghiệp trong HSSV đã và đang cho thấy đây là một xu thế mang tính thực tiễn. Theo đó, các dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 ở nhiều trường ĐH đều hướng đến giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần tạo đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫu thế, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai giáo dục khởi nghiệp tại các nhà trường, nhất là trường phổ thông. Bởi vấn đề nhận thức, vấn đề nội dung chương trình vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn thiếu thực chất.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nói đến khởi nghiệp đối với các trường phổ thông cần 3 yếu tố: Phải có nội dung, chương trình đào tạo về tinh thần khởi nghiệp; HS cần được đào tạo các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp; cần tạo môi trường để HS có điều kiện khởi nghiệp.