Hướng tới nền y tế thông minh

Tùng Linh 25/12/2020 07:00

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình mới được phê duyệt đã xác định tầm nhìn đến năm 2030, ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh.

Ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện

Trong Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế nêu rõ, chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.

Bộ Y tế khẳng định, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế như tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế; tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế; tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số…

Bộ Y tế xác định: “Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh”.

Các mục tiêu cụ thể về phát triển Chính phủ số, xã hội số trong y tế, chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như trong khám, chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030 đã được vạch rõ trong Chương trình chuyển đổi số ngành y tế.

100% người dân sẽ được định danh y tế

Về phát triển Chính phủ số trong y tế, mục tiêu đến năm 2025 là duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Cùng với đó, 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế và 80% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. 80% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại.

Duy trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… được công khai trên cổng.

Về phát triển xã hội số trong y tế, các mục tiêu đến năm 2025 là: 100% cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% cơ sở khám, chữa bệnh cho đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; và 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.

Với chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chương trình đặt mục tiêu đến 2025, 100% người dân được định danh y tế; 100% cán bộ y tế được định danh; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh: 15% (khoảng 210) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đối số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình chuyển đổi số y tế đã đưa ra hàng loạt giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới theo 4 nhóm nhiệm vụ gồm: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số trong y tế, phát triển kinh tế số trong y tế và phát triển xã hội số trong y tế. Hai lĩnh vực ngành y tế sẽ ưu tiên chuyển đổi số là: Chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam; Chuyển đổi số trong bệnh viện.

Hội nghị chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020

Ngày 24/12, Văn phòng Chính phủ , Bộ Y tế tổ chức họp báo Chương trình chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020 - Ehealth Vietnam Summit. Buổi họp báo nhằm chuẩn bị cho chương trình Chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020 (diễn ra vào các ngày 29 - 30/12), công bố nội dung và những điểm nổi bật của chương trình, đồng thời, phát động bình chọn các đơn vị chuyển đổi số y tế quốc gia và đơn vị điểm sáng Việt Nam 2020.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Trần Quý Tường, trong thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...

Tùng Linh