Cẩn trọng phát ngôn
Thay vì cầu thị, tiếp thu góp ý của dư luận xã hội đối với công tác quản lý, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại đưa ra phát ngôn rất khó nghe, mang tính mạt sát những người góp ý kiến.
Mới đây, liên quan đến việc Phòng GDĐT huyện Phú Lộc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, bắt học sinh chạy nhảy dưới nước ruộng trong khi trời rét cắt da, nhiều ý kiến phản đối cho rằng như thế là không đảm bảo sức khỏe cho các em. Song, thay vì tiếp thu những góp ý đó thì Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Lộc Trần Minh Khôi lại “đăng đàn” tuyên bố những ý kiến trên là thiển cận.
Ở đây, chưa bàn đến việc Phòng GDĐT huyện Phú Lộc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, cho học sinh ăn mặc phong phanh dầm mình trong giá buốt là đúng hay sai. Chỉ riêng việc lãnh đạo một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục lại đưa ra một phát ngôn thiếu thận trọng như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc vì cho rằng, ông Phó Trưởng Phòng GDĐT tỏ ra coi thường dư luận.
Cảm giác bị xúc phạm của mọi người hoàn toàn có thể hiểu được, bởi ông Trần Minh Khôi chỉ là lãnh đạo của các cán bộ quản lý giáo dục dưới quyền, ban giám hiệu và thầy cô giáo thuộc sự quản lý của Phòng GDĐT huyện Phú Lộc, chứ không phải là lãnh đạo của tất cả mọi người nên không có quyền mạt sát mọi người là thiển cận. Kể cả nói với cấp dưới, ông Khôi cũng không được phép buông lời ngạo mạn như vậy.
Ông Trần Minh Khôi mới chỉ làm đến chức phó phòng giáo dục mà đã không coi ai ra gì như vậy, liệu khi ông này leo cao, luồn sâu thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra?! Lúc đó có khi ông Trần Minh Khôi chẳng để ai vào mắt, thích gì sẽ làm đấy. Cán bộ quản lý chính là công bộc của dân, vốn đã không được phép nói năng bất kính với “ông chủ” của mình. Là cán bộ quản lý giáo dục càng cần sự chỉn chu, thận trọng trong phát ngôn.
Chẳng phải các cụ xưa vẫn dạy “.../người ba lăm mới nói đó sao”? Nếu đã thực hiện đúng “ba lăm” mà vẫn buông ra một phát ngôn gây sốc như vậy thì có lẽ ông Trần Minh Khôi khó có thể đảm nhiệm tốt vai trò Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Lộc. Vị trí đó không chỉ đơn giản là một nhà quản lý, mà còn đòi hỏi tư cách của một người thầy. Chẳng có một người thầy nào trên đời lại hạ mục vô nhân như vậy.
Giờ mới bàn đến việc Phòng GDĐT huyện Phú Lộc bắt học sinh ăn mặc phong phanh dầm mình dưới ruộng trong trời mưa rét liệu có đúng không? Chắc chắn là không đúng rồi! Mục tiêu cuối cùng của các hội khỏe Phù Đổng là gì? Chính là để rèn luyện thân thể học sinh cường tráng, khỏe mạnh. Vậy việc bắt chúng ăn mặc phong phanh dầm mình dưới nước trong trời mưa rét liệu có đảm bảo sức khỏe cho học sinh?
Giả sử, chỉ là giả sử thôi. Trong số học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng hôm đó, có một thậm chí vài em lăn ra ốm vì bị cảm lạnh, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Lúc đó sẽ là các lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Phú Lộc, ban giám hiệu các trường, hay thầy cô giáo sẽ lo cho các em học sinh viện phí, thuốc thang đây? Tin rằng, chỉ có bố mẹ, người thân và gia đình liêu xiêu khi các em bị ốm thôi chứ chẳng có ai lo cho cả.
Rất may là chưa có cái giả sử đó xảy ra. Song, đó cũng là bài học cần được rút kinh nghiệm sâu sắc để không có lần sau tái diễn. Và những ý kiến đóng góp của dư luận xã hội là đáng quý, đáng trân trọng chứ sao ông Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Lộc lại phản ứng dữ dội như vậy? Nếu còn bảo thủ, thiếu sự cầu thị, không nhận ra cái sai thì làm sao con người ta có thể sửa chữa được sai lầm mắc phải đây?
Nếu vẫn cho rằng việc làm của Phòng GDĐT huyện Phú Lộc là đúng, chắc chắn lãnh đạo cơ quan này sẽ tiếp tục có lần sau. Ai dám đoán chắc lần sau sẽ tiếp tục “may mắn”, không xảy ra những sự việc đáng tiếc khó lường? Vậy thì trước khi triển khai thực hiện những việc còn trông chờ vào may rủi để không xảy ra sự cố, thiết nghĩ các lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Phú Lộc cũng nên chuẩn bị tinh thần gánh chịu hậu quả.
Bác Hồ từng nói, công tác giáo dục tức là sự nghiệp trồng người. Vì thế cần phải đào tạo thế hệ mầm non tương lai của đất nước phát triển toàn diện về thể chất, tri thức và tâm hồn. Nếu quá thiên lệch một trong ba yếu tố đó sẽ khiến các em học sinh phát triển thiếu toàn diện, tạo ra những “sản phẩm lỗi” cho xã hội. Vậy nên, đừng vì sự mong muốn của bản thân mà làm hỏng đi mục đích tốt đẹp của sự nghiệp trồng người. Mỗi thầy cô, nhất là cán bộ quản lý giáo dục cần thận trọng hơn trong lời nói và việc làm.