Gỡ vướng cho tàu 67

A. Mai 25/12/2020 08:00

Sau 5 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính Phủ về chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại Thanh Hóa. Đây là chủ trương lớn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.

Tại huyện Hậu Lộc, địa phương có 7 tàu gỗ được đóng mới theo Nghị định 67 (gọi là tàu 67) nhưng hầu hết đều không thực hiện trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng, không hợp tác với ngân hàng dù đã được các ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần. Hiện địa phương này có 4 tàu cá phải thực hiện quy trình thi hành án dân sự.

Trong 7 chủ tàu chỉ có duy nhất tàu cá của anh Nguyễn Văn Xuyên ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, có tổng trị giá 14,3 tỷ đồng, được hỗ trợ vay vốn 10 tỷ đồng và hiện đã trả được 2,2 tỷ đồng theo đúng các quy định về xử lý nợ. Với các trang thiết bị hiện đại như máy dò ngang Koden, máy định vị định dạng, máy dò đứng... đã giúp tàu cá của gia đình có những chuyến ra khơi hiệu quả.

Tuy nhiên, với những khó khăn chung như ngư trường bị thu hẹp, các ngư trường lớn như Vịnh Bắc Bộ đang bị cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, làm ăn khó khăn lại lắm rủi ro, chi phí bảo trì bảo dưỡng tàu tương đối nhiều nên cũng gây không ít khó khăn cho gia đình anh Xuyên.

Theo anh Xuyên, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng, gia đình anh đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển.

Do hai năm trở lại đây, hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn nên rất mong Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu như kéo dài thời gian trả lãi suất ngân hàng từ 10 năm lên 20 năm hoặc giảm lãi suất trên vốn đầu tư để giảm bớt gánh nặng cho ngư dân. Như vậy, việc trả tiền vay cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng sẽ dễ dàng hơn.

Gia đình anh Lê Văn Lực ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thẩm định, cho vay 14,1 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Tàu của gia đình anh Lực vẫn vươn khơi, bám biển, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư lớn cùng những hỏng hóc phát sinh trong quá trình khai thác nên hàng năm sau khi hạch toán chi phí chủ yếu thu nhập của gia đình anh Lê Văn Lực chỉ hòa vốn, có nhiều chuyến bị lỗ tiền dầu. Sau 4 năm hạ thủy tàu vỏ thép, gia đình anh Lê Văn Lực mới trả được hơn 130 triệu đồng tiền lãi vay từ vốn Nghị định 67. Hiện chủ tàu vẫn nợ 14,1 tỷ đồng; trong đó, có gần 2,7 tỷ đồng tiền gốc đến kỳ phải trả, nợ đọng còn hơn 3 tỷ đồng tiền lãi. Do gia đình anh Lực vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo phân kỳ, Agribank đã khởi kiện ra tòa.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa, hiện nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay đóng mới 58 tàu theo Nghị định 67, với tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng là 653 tỷ đồng, dư nợ gần 600 tỷ đồng. 32 chủ tàu thực hiện trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết hợp đồng.

Doanh số thu nợ đạt 49,206 tỷ đồng, đạt 7,55% tổng số dư nợ. Có 26/58 chủ tàu chậm trả nợ gốc, với dư nợ 379,21 tỷ đồng, lãi chuyển sang nợ xấu, gồm 21 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ gỗ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 67 tỉnh Thanh Hoá đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp gỡ khó cho các chủ tàu 67; trong đó, có việc yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì việc hỗ trợ chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ cho các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính 400CV trở lên đến hết năm 2020.

A. Mai