Buồn vui nghệ thuật công cộng
Các công trình nghệ thuật công cộng là một nhân tố văn hoá quan trọng để tạo ra cảnh quan cho không gian đô thị. Tuy nhiên việc đặt các công trình nghệ thuật này không đúng nơi, đúng chỗ đã trực tiếp tạo ra những hình ảnh phản cảm.
Thời gian qua, dư luận xã hội, đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn hoá đã không khỏi lo lắng bởi sự phát triển “vô tội vạ” của các công trình nghệ thuật công cộng. Mới đây nhất là vụ “trái tim lông lá” để bên bờ Hồ Gươm hay việc tô màu cho các bức tượng tại công viên Thống Nhất, Hà Nội…
Không những vậy, các nghệ thuật công cộng ngoài trời hiện nay vẫn còn khá đơn điệu khi chất liệu vẫn chỉ “dừng lại” từ thế kỷ trước. Như tượng đài chủ yếu làm bằng bê tông, ít tính thẩm mỹ, hay các điêu khắc và tranh hoành tráng vẫn là sản phẩm thủ công phóng to.
Cùng với đó, hình khối, không gian của nghệ thuật công cộng còn ít tính sáng tạo và rất thiếu sự gợi ý, gợi cảm và mang nặng sự kể tả. Thậm chí, khi các tác phẩm sử dụng yếu tố truyền thống cũng bị ở tình trạng nhắc lại một cách khô cứng. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho các tác phẩm khó thích nghi môi trường mà nó được đặt để, hạn chế trong giao tiếp với công chúng thưởng thức, làm cho sức sống của nó bị chìm đi trong bối cảnh đời sống đô thị luôn sôi động và đổi mới từng ngày.
Bên cạnh đó, nghệ thuật công cộng khó có thể tìm được chỗ đứng, nhất là các dạng nghệ thuật nơi vườn hoa, quảng trường, trên đường phố lại càng khó khăn hơn. Bởi các góc phố, vỉa hè ở các đô thị lớn hiện nay đều bị tận dụng triệt để cho kinh doanh hoặc sinh hoạt. Hơn thế, rác thải bừa bãi đã làm cho tình trạng của các mảnh không gian còn sót lại ở nơi phố phường trở nên xô bồ...
Theo TS Hoàng Thị Đào - Đại học Mỹ thuật Việt Nam, điều gì sẽ tiếp theo xảy ra nếu cứ để nghệ thuật công cộng tự phát theo trào lưu như tranh tường hiện nay, sẽ dẫn đến tình trạng trăm hoa cùng nở trong thành phố, tràn lan từ ngõ nhỏ đến phố lớn đều thấy xuất hiện tranh tường và tranh tường. Hiện tượng gì xảy ra nếu những nơi cổ kính, trang nghiêm bị nhuốm toàn những bức tranh màu sắc rực rỡ, phong cách hiện đại dù đẹp nhưng lại không phù hợp với không gian. Chưa kể đến, các bức vẽ tranh tường không đẹp, không đúng chỗ sẽ gây hiệu ứng ngược đó là sự chịu đựng thẩm mỹ, làm phiền thị giác, gây cảm giác bức bối cho người qua lại những con đường, tuyến phố đấy.
Để giải bài toán này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Dương - Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc đầu tiên cần phải hoàn thiện quy hoạch. Trong đó, tôn tạo không gian cho công trình nghệ thuật công cộng, làm nổi bật được nét văn hoá truyền thống trong một môi trường đô thị hiện đại. Nâng cao chất lượng thẩm mỹ của các khu đô thị mới theo định hướng xây dựng tiêu chí nghệ thuật công cộng, khai thác được đặc điểm địa hình và di tích lịch sử văn hoá của từng địa điểm cụ thể. Điều này đòi hỏi phải có sự sáng tạo, có kiến thức liên ngành, đa ngành, có tầm nhìn chiến lược trong định hướng xây dựng, không rập khuôn máy móc, lấy mô hình này gắn ghép cho mô hình kia, xây dựng phải đồng bộ.
Cùng đó, PGS Dương cũng đề nghị, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chế tài để bảo đảm phát huy được vai trò cần thiết của nghệ thuật công cộng, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp làm mất mỹ quan đô thị. Ở đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nghệ thuật công cộng. Không mang tính phong trào dàn trải. Tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng nghệ thuật công cộng cần xác định về nội dung chủ đề, quy hoạch chi tiết về địa điểm, không gian cảnh quan môi trường, trên cơ sở đó xây dựng các tiêu chí, nhiệm vụ thiết kế quy hoạch… để tổ chức thi tuyển.
“Giải pháp là tăng cường mối liên kết vùng, phối hợp với các tỉnh lân cận, trong vùng, thành phố tuân thủ quy hoạch vùng; liên kết, hỗ trợ cùng đầu tư phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” - ông Dương nói.
Trong bối cảnh hội nhập, với những vòng lan toả văn hoá nghệ thuật, nghệ thuật công cộng ngày càng phát triển đa dạng các hình thức thực hành và ngôn ngữ thể hiện. Đã đến lúc vấn đề trang trí đô thị cần phải được đẩy lên một tầm cao mới, đòi hỏi một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía giới chức quản lý đô thị đến mọi người dân. Bởi nếu như chúng ta quan niệm nghệ thuật công cộng không còn quẩn quanh ở vấn đề tác phẩm, mà không chuẩn bị trước những không gian công cộng dành riêng cho nó hoặc không quan tâm đến vấn đề bảo dưỡng các tác phẩm đã được trưng bày sẽ tạo ra những hậu quả khó lường. Để làm điều này cần có những quy hoạch, lộ trình tạo một sự thay đổi quyết liệt từ chính giới chức quản lý, người giám tuyển, người dân và nghệ sĩ.