Những dự án bị bỏ lửng

Nguyên Khánh 27/12/2020 09:00

Một trong những vấn đề mà nhiều năm qua, cử tri Hà Nội có kiến nghị đến đại biểu HĐND TP trong mỗi kỳ tiếp xúc là cần có giải pháp chấm dứt tình trạng dự án bỏ hoang, quy hoạch treo trên địa bàn.

Nhiều dự án “treo” gây lãng phí lớn trong khi quỹ đất hạn hẹp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM việc chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang chủ yếu là do họ khó hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, cùng đó là do doanh nghiệp yếu kém về năng lực nhưng lại “ôm đất” để kiếm cơ hội làm ăn. Vì thế, có những dự án kéo dài 30 năm vẫn hoang hóa, từ đó phát sinh nhiều phiền toái.

Một trong những vấn đề mà nhiều năm qua, cử tri Hà Nội có kiến nghị đến đại biểu HĐND TP trong mỗi kỳ tiếp xúc là cần có giải pháp chấm dứt tình trạng dự án bỏ hoang, quy hoạch treo trên địa bàn. Đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân cũng như bộ mặt đô thị, nhất là lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Sau 25 năm dự án vẫn ở trên giấy

Đó là dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 với quy mô khoảng 6ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn… nhưng đến nay sau 25 năm vẫn chỉ “nằm” trên giấy.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự án Sông Hồng City được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư năm 1994 cho phép Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore) thành lập Công ty liên kết kinh doanh có tên là Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện trong vòng 8 năm kể từ ngày được trao giấy phép đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng và đưa các dự án công trình vào vận hành.

Tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi 60.000m2 đất ở địa chỉ hồ Nghĩa Dũng cho Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội thuê để liên kết kinh doanh với nước ngoài xây dựng dự án. Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đã được nhận bàn giao đất tại thực địa ngày vào tháng 7/1995.

Đến tháng 9/1995, UBND TP quyết định cấp giấy chứng nhận quyền khai thác đất cho Công ty Phát triển đô thị (thời hạn sử dụng đất là 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039) và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án Sông Hồng City. Tuy nhiên, sau 25 năm đến nay dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm trên giấy gây bức xúc cho người dân.

Cùng chung số phận với Sông Hồng City, dự án khu thành phố mới Nam Thăng Long (giai đoạn 2) kéo dài đã lâu (khoảng 20 năm) nhưng chưa triển khai. Dự án LOD Building (ở khu vực 38 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị bỏ hoang một thời gian rất dài. Điều đáng nói là dự án LOD Building từng được đưa vào dùng tuy nhiên do có quá nhiều sai phạm về thay đổi kết cấu công trình nên ngày 1/10/2015, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã yêu cầu chủ đầu tư dự án dừng tuyệt đối việc thi công công trình. Kể từ khi bị đình chỉ đến nay, dự án này gần như “nằm yên” tại khu đất “vàng” của Hà Nội. Không những thế, việc dự án bị bỏ hoang và có nhiều hạng mục xuống cấp đang gây mất mỹ quan khu phố, cũng như sự lãng phí của người đầu tư.

Được khởi công từ năm 2008, nhưng hiện nay dự án Apex Tower (vị trí tại lô HH3, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới chỉ xây xong phần thô, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng và đang có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.

Đó chỉ là một số dự án treo gây bức xúc trong dư luận. Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn TP đang có tới 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Các dự án treo nằm cả ở nội và ngoại thành, khiến bộ mặt TP trở nên lộn xộn.

Một trong những dự án bên sông Hồng trong tình trạng dở dang.

Nhiều hệ lụy từ dự án treo

Dự án treo, chậm triển khai đã và đang gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người dân. Muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, mua bán, cải tạo, xây dựng nhà... nhưng không thể thực hiện, là tình cảnh của 80 hộ dân thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ sống trên khu đất thuộc dự án treo Sông Hồng City (dự án Trấn Sông Hồng) từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Xuân Tiệp (tổ 40, phường Yên Phụ) cho biết, năm 1992 các hộ dân nhận được thông báo từ chính quyền phường về việc thỏa thuận đền bù khu đất để TP triển khai dự án Sông Hồng City. Đáng nói từ thời điểm đó đến nay, người dân chưa nhận được bất kỳ thông tin gì tiếp theo. “Gần 30 năm nay, chúng tôi sống trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ, sống tạm trên chính ngôi nhà của mình” - ông Nguyễn Xuân Tiệp bức xúc.

Ông Bùi Đăng Viễn, tổ 25, phường Thịnh Liệt một người dân ở Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng Công ty Xây dựng Licogi tại Hoàng Mai phản ánh, dự án này đã thực hiện từ năm 2006 vẫn đắp chiếu. Việc dự án chậm triển khai nhiều năm đã khiến đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch bị ảnh hưởng. Hạ tầng xuống cấp, mỗi lần mưa xuống, đường sá lầy lội, ngập nước, môi trường sinh sống bị ô nhiễm bởi rác thải bủa vây…

Phải có biện pháp mạnh

Để “thanh toán” các dự án treo trên địa bàn, TP Hà Nội đã có những chỉ đạo cơ quan chức năng dùng biện pháp mạnh, quyết liệt trong việc xử lý, thu hồi hàng loạt dự án. Đến nay, TP đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

Cụ thể, trong tháng 7, 8 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội ban hành các quyết định chấm dứt việc đầu tư dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư và dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) của Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam. Lý do chấm dứt hoạt động các dự án này do các chủ đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ quy định.

Đáng chú ý, mới đây, UBND TP Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) do chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất; không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án…

Dù đã nỗ lực nhưng vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, cần các giải pháp mạnh hơn nữa để xử lý các dự án treo trên địa bàn, muốn làm được điều này phải tìm rõ nguyên nhân vì sao các dự án này bị treo lâu như vậy.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý dẫn đến việc nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Để giải quyết các dự án treo, GS Võ cho rằng, Hà Nội cần phải rà soát tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Dự án nào chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì kiên quyết thu hồi. Dự án nào chậm do thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai kịp tiến độ.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nêu, nếu đất đai đã giao mà doanh nghiệp không triển khai thì cần phải xem xét tại sao không triển khai và cần kiên quyết thu hồi nếu do năng lực chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, bởi chính quyền muốn thu hồi, trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Đối với những khu đất vàng đang bị bỏ hoang hiện nay, cần phải được rà soát, xem xét để thực hiện thu hồi, thay chủ đầu tư có năng lực đảm nhận chức năng của phần đất đã được phê duyệt. Ngoài ra, cần có cuộc trao đổi gắn kết giữa các nhà quản lý, lãnh đạo với các chủ đầu tư để nắm được những khó khăn. Qua đó tìm ra cách tháo gỡ để dự án được triển khai. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là phải đặt lợi ích chung, lợi ích phát triển bền vững của cộng đồng.

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, cho biết về khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật. Về mặt chủ quan có thể do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ. Tuy nhiên, năng lực của chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Nguyên Khánh