Gian nan khi bệnh lao kháng thuốc
Mỗi năm, thế giới có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và gần 1,5 triệu người tử vong.
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong các bệnh nhiễm trùng.
Thế nào là lao đa kháng thuốc?
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, lao đa kháng thuốc ngoài khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.
Tháng 1/2020, bà Trần Thị Kim Loan (52 tuổi, ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) xuất hiện triệu chứng ho, sốt kéo dài, thậm chí có lúc bà ho cả ra máu. Tuy nhiên phải 1 tháng sau, bà Loan mới đi khám tại Trung tâm y tế huyện Thoại Sơn, An Giang. Tại đây, bà được các bác sĩ thăm khám, chụp X-quang, xét nghiệm Xpert và phát hiện bà mắc lao kháng thuốc.
Sau đó, bà được chuyển lên Bệnh viện Phổi Cần Thơ điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc rồi chuyển về tuyến huyện để điều trị trong vòng 9 tháng. Chồng bà Loan trước đó cũng được xác định mắc lao kháng thuốc... Hai vợ chồng bà luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ… nên bệnh tình dần ổn định.
Cũng mắc lao và đã được các bác sĩ cho phác độ điều trị phù hợp nhưng do không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị nên bệnh nhân Nguyễn Thị Triều (Quảng Ninh) đã trở bệnh nặng. Bệnh nhân mắc lao và đã được điều trị ổn định tại Bệnh viện Phổi trung ương. Tuy nhiên sau khi được chuyển điều trị về tuyến cơ sở, bệnh nhân đã không tuân thủ phác đồ điều trị, không tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong khoảng 2 tháng, nên bệnh tình đã xấu đi. Khi quay trở lại điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng, thể chất suy kiệt, không thể nói, liệt nửa người bên phải, rối loạn tri giác.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Lao hô hấp, bệnh nhân Triều (34 tuổi, ở Quảng Ninh) khi quay trở lại viện được chẩn đoán lao phổi kháng đa thuốc. Tại khoa Lao hô hấp, các bệnh nhân mắc lao kháng thuốc như bệnh nhân Triều đều được điều trị chủ yếu dưới phác đồ sử dụng thuốc uống kết hợp với tiêm, truyền. Tùy vào tình trạng kháng thuốc của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ sử dụng các loại thuốc hợp lý nhất - thuốc nào kháng thì sẽ không dùng, mà chọn lựa lại các loại thuốc có tác dụng tối ưu hơn cho người bệnh. Các loại thuốc khi được sử dụng đều cần đảm bảo được sự hiệu quả trong khoảng thời gian dài. Mỗi đợt điều trị thuốc có thể diễn ra trong 9 tháng/đợt hoặc 18 tháng/đợt tùy vào diễn tiến bệnh.
Bác sĩ Kim Cương cho biết: Việt Nam là một trong những nước có phác đồ cập nhật, tiên phong trong ứng dụng các xét nghiệm cũng như các phác đồ điều trị cho người bệnh và đem lại diệu quả cao.
Nguồn lây lan nguy hiểm cho cộng đồng
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng. Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn. Và bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo TS Nguyễn Viết Nhung, các triệu chứng của bệnh lao như ho, khạc đờm, sốt, mệt mỏi... không giảm khi sử dụng thuốc kháng lao. Có thể các triệu chứng giảm đi nhưng sau một thời gian lại xuất hiện trở lại, có mức độ nặng hơn trước. Thông thường sau điều trị 2-3 tháng vi khuẩn lao sẽ âm tính trong đờm nhưng nếu xét nghiệm vi khuẩn lao vẫn dương tính sau 2-3 tháng điều trị thì khả năng đã mắc lao kháng thuốc. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc nhưng nhìn chung lao kháng thuốc hết sức nguy hiểm.
Khi người bệnh mắc lao kháng thuốc là tình trạng thuốc không có tác dụng với vi khuẩn lao, việc điều trị không hiệu quả. Mặc dù đang trong quá trình điều trị song các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm ở người bệnh không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các biểu hiện tăng nặng hơn, nguy hiểm hơn ban đầu khi mới phát hiện bệnh.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bệnh nhân lao bị kháng thuốc như: Vi khuẩn lao tự biến đổi cấu trúc chống lại thuốc; người bệnh ngay từ đầu đã bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc từ người bệnh bị lao kháng thuốc khác hoặc do uống thuốc không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn lao” - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do bệnh nhân lao không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị.
Tuy được coi là “kẻ giết người thầm lặng “, nhưng Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết bệnh lao thông thường có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị 6 tháng, tỷ lệ khỏi bệnh cao tới 90%. Tuy nhiên với lao đa kháng thuốc, việc điều trị khỏi bệnh khó khăn hơn nhiều. Ngoài phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, thời gian điều trị cũng phải kéo dài hơn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn, chi phí tốn kém hơn, tỷ lệ khỏi bệnh cũng thấp hơn.
BS Nhung lưu ý, để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh, người bệnh thể lao phổi kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả cao nhất. Người bệnh cần có ý thức trong sinh hoạt như không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi kháng thuốc, hoặc có tiếp xúc với những bệnh nhân lao phổi nói chung cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao đa kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao không bị tiêu diệt bởi phần lớn các loại thuốc chống lao, kể cả các loại thuốc có hiệu lực chống vi khuẩn lao mạnh như isoniazid và rifampicin. Bình thường khi mắc bệnh lao đã nguy hiểm cần phối hợp rất nhiều loại thuốc kháng sinh và thời gian điều trị tối dài thiểu cũng phải 6 tháng, nhưng khi mắc bệnh lao đa kháng thuốc thì còn nguy hiểm hơn, làm tăng tỷ lệ tử vong, khó khăn trong việc điều trị, thuốc điều trị lao đa kháng thuốc có nhiều tác dụng phụ hơn, thời gian và chi phí chữa trị tăng lên rất nhiều.