Điện ảnh chuyển mình vào 4.0
Điện ảnh là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, chính Luật Điện ảnh đã tạo ra những rào cản cho sự phát triển.
Để tháo gỡ điều này, mới đây, Hội nghị - Hội thảo “Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi)” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội và TP HCM đã thu hút sự tham gia đông đảo và đóng góp ý kiến sôi nổi của nhiều đại biểu ở nhiều lĩnh vực.
Công nghiệp điện ảnh cần được coi là mũi nhọn
Hầu hết các ý kiến đại biểu đều gặp nhau ở một nhận định chung: Luật Điện ảnh hiện hành (ra đời năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.
Cụ thể, chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh, chưa phù hợp, bao quát hết được mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay, chưa bắt kịp sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ trong công nghiệp điện ảnh thế giới, chưa cập nhật đầy đủ những quy định của các luật, bộ luật mới ban hành và nhiều hiệp định thương mại, văn hóa có liên quan đến hoạt động điện ảnh mà nước ta đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế. Đặt trong bối cảnh các lĩnh vực khác đã có nhiều thay đổi, nhất là bước vào thời 4.0, thì điện ảnh cần có nhiều thay đổi mạnh mẽ để tăng tốc.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đã tập trung vào một số vấn đề như những nội dung bị cấm trong hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim; thẩm quyền, phân cấp về cho các địa phương cấp phép phổ biến và phân loại phim; khó khăn vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất...
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, Dự thảo lần thứ 3 này có bước tiến bộ vượt bậc với nhiều điều được điều chỉnh hoặc thay mới hợp lý. Theo bà Lan, công nghiệp điện ảnh cần được đánh giá là ngành mũi nhọn trong xây dựng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Bên cạnh đó, là thẩm quyền cấp phép phổ biến phim.
Theo bà Ngô Phương Lan, Dự thảo đang phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim ở Trung ương (Bộ VHTTDL) và ở địa phương (cấp tỉnh). Vậy sẽ xảy ra trường hợp phim do tỉnh này cấp phép mà tỉnh kia từ chối. Hoặc phim tham gia các Liên hoan phim (LHP) quốc tế, LHP chuyên ngành, chuyên đề tại Việt Nam thì thẩm quyền cấp phép thuộc ai?
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho rằng, đối với phim trong nước, việc thẩm định, phân loại phim nên để cho Giám đốc cơ sở sản xuất phim và Hội đồng nghệ thuật của cơ sở sản xuất phim thẩm định và phân loại. Cơ sở để nơi sản xuất phim thẩm định chính là những điều ghi trong Luật Điện ảnh, những điều cấm và nguyên tắc phân loại. Không nên sợ Hội đồng nghệ thuật của cơ sở sản xuất yếu. Họ sẽ biết tìm chuyên gia để Hội đồng của họ đủ mạnh giúp cho Giám đốc có sự thẩm định chính xác.
“Theo tôi, quy định như vậy mới là sự đổi mới, giống như người lái ôtô, xe máy phải biết không thể vượt đèn đỏ hay đi sai làn... Điều này cũng có nghĩa là khuyến khích tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của người làm phim” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Về phim nhập khẩu, việc thẩm định, phân loại thật sự cần thiết vì trên thế giới luôn tồn tại sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc và quan điểm chính trị cũng như những xung đột tôn giáo. Theo ông Hiệp, Hội đồng của Bộ VHTTDL sẽ làm công việc này.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần phải bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Mà theo ông điều cản trở vấn đề này chính là các phim chiếu rạp đều phải qua Hội đồng duyệt phim Trung ương với những tiêu chí còn chung chung, định tính.
Theo ông Tuấn, duyệt phim phải do nhiều đơn vị có năng lực thực hiện sao cho nhà làm phim có quyền chọn giữa nhiều đơn vị. Phù hợp nhất là giao cho các đài truyền hình làm công tác này. Quan hệ giữa doanh nghiệp phân phối phim và đài truyền hình là quan hệ hợp đồng. Hai bên thỏa thuận với nhau về chi phí, thù lao, trách nhiệm giữa các bên. Như vậy, phim chiếu trên toàn quốc bao gồm cả phim chiếu rạp hay trên bất kỳ kênh nào nếu có kết quả thẩm định nội dung “Đạt” của bất kỳ một đài truyền hình nào. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể được cấp phép cung cấp dịch vụ thẩm định phim.
Cần thêm quy định về phân loại phim
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là trong quá trình hội nhập, ắt sẽ có nhiều nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam để quay phim. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề xin cấp phép quay phim khá phức tạp, cần đơn giản hóa thủ tục. Ví dụ doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần hợp tác với một đơn vị phát hành phim được cấp phép tại Việt Nam là có thể được vào quay phim. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với các nhà làm phim nước ngoài. Yêu cầu xuất khẩu phim phải có giấy phép phổ biến phim là không cần thiết. Việc xin phép có thể cản trở việc đưa phim Việt Nam ra nước ngoài.
Một vấn đề đáng chú ý là việc nới lỏng kiểm duyệt khi có thêm phân loại phim C21 và PG cùng việc ưu tiên thời điểm, suất chiếu và thời gian phát hành phim điện ảnh Việt khi ra rạp. Cụ thể, ngoài các phân loại phim theo độ tuổi như trước đây gồm: P (mọi đối tượng khán giả), C13 (không phổ biến cho khán giả dưới 13 tuổi), C16 (không phổ biến cho khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (không phổ biến cho khán giả dưới 18 tuổi) thì Bộ đã thêm hai loại khác gồm: PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi xem phim C13 với cha, mẹ hoặc người giám hộ) và C21 (không phổ biến cho khán giả dưới 21 tuổi).
Theo ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film): “Cần quy định rõ C21 khác gì C18, vì ở các lĩnh vực khác thì chỉ quy định người trên 18 tuổi chứ không có 21 tuổi thì trách nhiệm khác nhau ra sao. Chúng tôi rất đồng tình thêm phân loại C21 vì mức phân loại này sẽ rất thoáng cho các nhà làm phim”.
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng đồng tình với việc cần thêm phân loại C21 bởi đây là một bước tiến mở rộng hơn cho các nhà làm phim, cho thị trường điện ảnh.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến và tiến hành đầy đủ trình tự trước khi thẩm định, trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2021. Không chỉ những người làm nghề mà công chúng yêu điện ảnh cũng kỳ vọng, điện ảnh Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời hội nhập và cách mạng công nghệ lần thứ 4!
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ với phim của các nhà làm phim Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối. Tình trạng phim bị quay lậu tại các rạp sau đó đăng tải trên mạng diễn ra khá nhiều mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Việc này khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí sản xuất phim nhưng sản phẩm có thể bị đánh cắp dễ dàng. Để khắc phục tình trạng này cần cấm hành vi quay chụp sao chép phim khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu. Các rạp chiếu phim phải có biện pháp chống lộ lọt phim ra ngoài. Bộ TT-TT cần có biện pháp ngăn chặn các website chiếu phim vi phạm sở hữu trí tuệ.