Màu xanh từ ý thức - Kỳ 1: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Đô thị “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại” là đích đến trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Nhưng để có thể bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, duy trì màu xanh, hoạt động của các cơ quan chức năng mới là “một nửa” vấn đề. Nửa còn lại chính là ý thức của nhân dân. Những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, nhiều mô hình bảo vệ môi trường, tạo dựng cảnh quan ra đời. Điều đó đã tạo ra “màu xanh” từ ý thức.
Thời gian qua, tại Hà Nội xuất hiện nhiều sáng kiến hay trong bảo vệ môi trường. Những sáng kiến ấy không chỉ trực tiếp thúc đẩy tái chế rác thải, hạn chế rác thải nhựa mà còn góp phần thay đổi ý thức của người dân.
Biến đồ cũ thành dụng cụ vui chơi
Cứ chiều đến, hay những ngày cuối tuần không gian nhà văn hoá thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại rộn rã những tiếng vui đùa của trẻ nhỏ. Từ tháng 8/2020, một sân chơi an toàn, thân thiện đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hải Bối trao tặng cho người dân nơi đây.
Sân chơi rộng khoảng 60m2, được lắp đặt nhiều thiết bị vui chơi như cầu trượt, bập bênh, ngựa, xà, xích đu… và một số dụng cụ thể thao. Điều đặc biệt, nhiều thiết bị vui chơi sử dụng các vật liệu tái chế, nhất là tận dụng lốp ô tô cũ, hỏng. Đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Đông Anh đã phối hợp các cơ quan, đơn vị làm được trong đó, gần 10 sân chơi sử dụng nhiều vật liệu tái chế như lốp xe, chai nhựa, gỗ cũ…
Ngoài thôn Hải Bối, các sân chơi tái chế hoạt động hiệu quả còn phải kể đến sân chơi ở thôn Du Nội (xã Mai Lâm), sân chơi thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà)… Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm, sáng kiến xây dựng sân chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng của huyện hội có từ năm 2017. Kết hợp với việc tuyên truyền, bảo vệ môi trường, Hội Phụ nữ Đông Anh đã phối hợp các cơ quan xây dựng những sân chơi tái chế, vừa tiết kiệm, vừa lan toả được thông điệp sống xanh tới cộng đồng.
Cũng giống như ở thôn Cổ Điển, nhà văn hoá Tổ 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên) gần đây trở nên sôi động hơn với những dụng cụ vui chơi dành cho trẻ em. Phần lớn các dụng cụ vui chơi như xích đu, cầu bập bênh… đều sử dụng các vật liệu tái chế. Không gian nhà văn hoá tổ 2 còn đẹp hơn khi được trang trí bằng nhiều loại hoa trồng trong những chai nhựa bỏ đi.
Nghe nói đến “sống xanh”, đến bảo vệ môi trường nhiều, nhưng làm thế nào để thiết thực đi vào cuộc sống, cán bộ Tổ 2 đề xuất làm sân chơi cho trẻ em trong khuôn viên nhà văn hoá. Ngay lập tức, mọi người đều ủng hộ, nhân dân tự giác tham gia đóng góp công sức, vật liệu để làm các dụng vụ vui chơi vừa rẻ, vừa bền.
Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tổ dân phố số 2 Lê Thị Chương cho biết: “Sau khi đi vào hoạt động, chúng tôi đã đem sản phẩm sân chơi này tham gia Ngày hội Sáng tạo với rác thải nhựa năm 2020 do UBND, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên phường Việt Hưng phối hợp tổ chức. Chúng tôi rất vui vì sân chơi giản dị này đã nhận được sự ủng hộ của mọi người”.
Đa dạng các hình thức hạn chế rác thải nhựa
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên Môi trường) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, trung bình, mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa các loại. Phải mất hàng trăm năm sau, rác thải nhựa mới bị phân huỷ. Việc phòng chống rác thải nhựa được quan tâm từ lâu. Song, sự kiện tháng 6/2019, Bộ TNMT đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan tổ chức Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực sự tạo xung lực mới cho công tác phòng, chống rác thải nhựa.
TP Hà Nội sau đó đã triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành. Tiếp đó, UBND TP ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, về triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn. TP yêu cầu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019. Từ sự gương mẫu này, phong trào “nói không với rác thải nhựa” lan toả và đặc biệt sôi nổi ở cơ sở, các tổ dân phố, các thôn làng...
Hà Đông là một trong những địa bàn hoạt động chống rác thải nhựa diễn ra sôi nổi nhất. Quận Hà Đông chú trọng hoạt động của chị em phụ nữ, coi đây là lực lượng chủ lực trong chống rác thải nhựa. Hội LHPN quận Hà Đông đã xây dựng mô hình “Chống rác thải nhựa, túi nilon”, triển khai rộng rãi tại 17 Chi hội Phụ nữ 17 phường.
Tại Hà Đông, chị em phụ nữ triển khai nhiều mô hình khác nhau như: Phát làn nhựa đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni-lông, tổ chức “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, xây dựng “Thùng rác từ thiện”, “Thùng rác thân thiện”… Trong đó, mô hình “Thùng rác từ thiện” là hoạt động hết sức có ý nghĩa, chị em thu gom rác thải như nhựa, sắt, giấy vụn… bán để gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn, người nghèo…
Tại quận Long Biên, với nhiều chị em phụ nữ, thu gom, tích trữ rác thải nhựa không chỉ giúp làm sạch mà còn giúp làm đẹp ngôi nhà của mình vì trên địa bàn triển khai mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”. Các loại rác sau khi thu gom, được phụ nữ bán để “quay vòng” mua cây xanh tặng lại mọi người.
Tương tự mô hình này, mô hình “Đổi rác lấy quà” hiện tại được triển khai rộng rãi tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng với sự phối hợp của Công ty TNHH Môi trường Hà Nội, nhằm nâng cao ý thức phân loại, tái chế rác thải.
Mô hình chị em phụ nữ sử dụng làn làm bằng vật liệu tái chế đi chợ đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng năm 2020, từ chỉ đạo của Hội LHPN TP Hà Nội, quận Tây Hồ triển khai mô hình đan làn đi chợ. Hội LHPN quận Tây Hồ tổ chức các lớp dạy đan làn cho các chị em là cán bộ phụ nữ ở phường và tổ dân phố. Trong đó, Chi Hội Phụ nữ Tổ 2 phường Xuân La là mô hình điểm.
Từ việc đan làn, chị em cũng như gia đình ý thức hơn với việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần. Hiện 95% chị em phụ nữ Tổ 2 đã sử dụng làn tự đan bằng dây buộc vật liệu xây dựng. Những mô hình tương tự đều lan toả rộng rãi ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn.
Xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Trong đó, vai trò của mỗi người dân, của cộng đồng là hết sức quan trọng. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ, chính quyền và sáng tạo của các đoàn thể, Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình hay trong tái chế, trong hạn chế rác thải nhựa với sự tham gia của cộng đồng. Điều đó tạo ra những bước chuyển bền vững trong bảo vệ môi trường.