Nhiều điểm mới về lương có hiệu lực trong tháng 1/2021
Kể từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách nổi bật về lao động tiền lương.
Phải kê bảng lương cho người lao động
Theo Điều 95, Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả lương cho NLĐ căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, trong đó ghi rõ các nội dung như: Tiền lương; Tiền lương làm thêm giờ; Tiền lương làm việc vào ban đêm. Bên cạnh đó phải ghi rõ nội dung và số tiền bị khấu trừ như: Khấu trừ bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân (nếu có)…
Thực tế hiện nay, nhiều NSDLĐ trả lương cho NLĐ, nhưng không kê khai các khoản khấu trừ để NLĐ được biết. Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ ràng, giúp người lao động có thêm thông tin về tiền lương của mình. Đây cũng là điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 so với Bộ luật Lao động 2012.
Thay đổi lãi suất khi chậm trả lương
Theo Khoản 4, Điều 9 Bộ luật Lao động 2019, trong trường bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn cho NLĐ thì được chậm trả lương. Tuy nhiên, thời gian chậm trả lương không quá 30 ngày. Khi NSDLĐ chậm trả lương từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả.
Không phải chịu phí mở tài khoản để nhận lương
Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định, NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương, tức NLĐ không phải trả phí liên quan đến mở và duy trì tài khoản.
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng thì NSDLĐ phải thỏa thuận với NLĐ về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
Cũng theo Bộ Luật Lao động 2019, Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (không còn Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
Ngoài ra, các qui định mới cũng tăng quyền cho người lao động như: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do; Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu; Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương…
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định: Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi); Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi. Tỷ lệ hưởng lương hưu theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được qui định như sau:
Đối với nam: Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%); Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.