Để ai cũng có Tết
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo tình hình thưởng Tết cho người lao động năm nay sẽ gặp khó khăn hơn trước.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn, cần tiết kiệm những khoản chi không cần thiết để hỗ trợ cho người yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt thưởng Tết nên bằng tiền thay vì hiện vật.
PV:Thưa ông, dù chưa có báo cáo chính thức về vấn đề thưởng Tết. nhưng cá nhân ông có nhận định thế nào về việc này?
PGS.TS Vũ Quang Thọ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tôi cho rằng thưởng Tết năm 2021, nhìn từ thực tế cán bộ công chức, viên chức còn khó khăn, thì công nhân, người lao động còn vất vả hơn nhiều. Tôi được biết qua khảo sát thực tế của Viện Công nhân, công đoàn cho thấy thưởng Tết năm nay giảm sút.
Vẫn có những doanh nghiệp thưởng cao nhưng không nhiều như những năm trước và chủ yếu tập trung vào khối các ngân hàng. Mọi năm các doanh nghiệp cố gắng “khoe”, “cạnh tranh” với nhau về tiền thưởng Tết cao để chứng minh rằng “tôi chăm lo cho người lao động tốt hơn” nhưng năm nay không còn như thế nữa.
Tuy nhiên tôi cho rằng hiện dịch Covid-19 đang làm cho nhiều công nhân, người lao động ở tình trạng lo lắng. Nhưng lo lớn nhất không phải là lương và thưởng mà là việc làm. Việc làm đang là yếu tố số một, có việc làm họ mới có thể sinh sống.
Từ ngày1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, trong đó quy định thưởng Tết có thể là tiền hoặc hiện vậy. Ý kiến của ông?
-Thưởng bằng tiền bao giờ độ thỏa dụng của nó cũng cao hơn hiện vật. Ví dụ thưởng bằng hiện vật thì họ cần cái A nhưng ta lại cho cái B. Như vậy vô hình trung biến công nhân lao động trở thành thị trường tiêu thụ những sản phẩm ế thừa của doanh nghiệp.
Có những doanh nghiệp thưởng Tết cho công nhân 150 chiếc quần đùi. Đó là cái phi lý, thậm chí dẫn đến sự bế tắc cho người lao động. Vì họ phải bán tháo, bán rẻ, thậm chí không bằng 50% giá trị của sản phẩm. Tôi rất phản đối các doanh nghiệp mang những hàng ế thừa để cho công nhân lao động và gọi đó là tiền thưởng.
Theo luật, doanh nghiệp có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật nhưng việc thưởng phải có sự thỏa thuận với người lao động và được họ đồng ý. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp làm đúng theo quy định về lương, thưởng Tết.
Thực tế thì chăm lo Tết cho người lao động không chỉ là trách nhiệm mà cũng là hình thức giữ chân người lao động, thưa ông?
-Đúng. Nếu chủ sử dụng lao động đối xử tốt với họ, họ sẽ đối xử tốt lại. Hết Tết đi làm đúng hẹn, làm hết sức mình, tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đó chính là hình thức đối xử của người lao động đối với doanh nghiệp.
Cho nên bỏ ra ít tiền nhưng chủ doanh nghiệp được lại nhiều hơn chứ không hề mất đi. Cái doanh nghiệp bỏ ra bằng nắm tay, có thể lợi ích thu về lớn hơn nắm tay. Nên cần nhận thức, hiểu rõ rằng chăm lo cho người lao động cũng là giữ chân người lao động.
Vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà nước đã có 2 gói hỗ trợ lớn đối với người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch.
Bây giờ tôi nghĩ rằng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có thể hỗ trợ công nhân, người lao động số tiền để họ có thể về quê ăn Tết. Ai cũng có cha mẹ, tổ tiên. Chăm lo cho người lao động là đạo lý của người thủ trưởng, người lãnh đạo.
Theo ông chúng ta có thể tiết kiệm các nguồn chi khác như lễ hội sau Tết, trang trí tại các thành phố để dành khoản tiền đó hỗ trợ lo cho người lao động, người nghèo, người yếu thế để ai cũng có Tết?
-Đây là cái nên nghĩ tới. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý công nhân lao động tiết kiệm chi tiêu trong dịp Tết, không phải có tiền thưởng mà vung tay, hết Tết không còn gì nữa. Bởi mọi năm ra Tết là có công việc đều và có tiền lương, nhưng bây giờ diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp thì không phải như thế nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo đó yêu cầu Cục Quản lý giá có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp tết; tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát; Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau tết, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
Sở Tài chính các địa phương cần phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan, căn cứ điều kiện thực tế, khả năng cân đối ngân sách địa phương và nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
H.H.