Nợ xấu tăng nhanh
Thị trường mua bán nợ đã được tạo lập, nhưng khá èo uột, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Việc hình thành “chợ nợ xấu” đúng nghĩa vẫn chỉ là ở trên giấy. Trong khi đó nợ xấu đang có dấu hiệu tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều công ty quản lý nợ của ngân hàng không hiệu quả
Trong Quyết định 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, ngoài việc đề xuất tăng vốn cho công ty này còn đề cập đến việc kết nối của VAMC với các công ty mua bán nợ của ngân hàng.
Cụ thể, theo quyết định, sau khi được NHNN phê duyệt thành lập Sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ theo đề án đã được phê duyệt, thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ xử lí nợ AMCs với các thành viên là VAMC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các TCTD (AMC)...
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, việc xử lý nợ xấu ngân hàng không thể một mình VAMC xử lý mà các ngân hàng cũng phải rất nỗ lực. Trong đó, vai trò của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của chính các TCTD không thể xem nhẹ.
Vậy các công ty này đang vận hành hiệu quả hay không? Câu trả lời được đưa ra rằng: Việt Nam có khoảng 30 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMCs) đăng ký hoạt động, tuy nhiên chỉ có khoảng 4 AMCs thực sự đang vận hành.
Bộ Tài chính cho biết, phần lớn hoạt động của các AMCs chỉ là các nghiệp vụ như thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cổ, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ... Ngoài ra, các AMCs cũng có thực hiện hoạt động mua bán nợ với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác nhưng không nhiều, việc mua nợ từ các tổ chức, cá nhân khác hầu như chưa được thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, hầu hết các AMCs của TCTD được thành lập với mục đích để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ, ít tham gia vào thị trường mua bán nợ hoặc có tham gia thì mục đích cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau. Từ đó dẫn đến các khoản nợ xấu vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng mà chưa được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất và như vậy, nợ xấu thực chất vẫn chưa được xử lý.
Khi nào thu hút được nhà đầu tư lớn?
Thách thức lớn nhất hiện nay khiến thị trường mua bán nợ xấu nước ta chưa phát triển là số lượng chủ thể tham gia còn ít. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, thị trường này chỉ sôi động nếu có nhiều người tham gia. Có quá ít công ty mua nợ dẫn tới tình trạng độc quyền mua, các khoản nợ được trả giá rất thấp. Tại Việt Nam chỉ có 30 AMC, trong đó chỉ một số AMC hoạt động hiệu quả.
Giới chuyên gia cho rằng, nợ xấu luôn là vấn đề đồng hành của nền kinh tế và tăng bất kỳ lúc nào. Vì vậy, cần một thị trường thông suốt để nợ xấu luôn được vận hành, khơi thông và biến thành nguồn tiền quay vòng trở lại nhà băng. Để có một chợ hay sàn mua bán nợ xấu đúng nghĩa, cần nhất vẫn là sự chỉ đạo đồng bộ, tích cực vào cuộc tháo gỡ về thủ tục pháp lý của các cơ quan liên quan, không để mỗi nơi hiểu một cách, làm một kiểu như hiện nay
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, việc hình thành thị trường mua bán nợ không phải là vấn đề mới, bởi thực tế, các ngân hàng, VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam đã mua bán nợ với nhau. Nhưng Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia.
“Một thị trường nợ đúng nghĩa sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ và sau đó là hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển. Đồng thời, thị trường mua nợ tập trung, thông tin công khai, minh bạch sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ, nhưng không biết mua ở đâu” - ông Lực nhận xét.
Giới chuyên gia cho rằng, nợ xấu luôn là vấn đề đồng hành của nền kinh tế và tăng bất kỳ lúc nào. Vì vậy, cần một thị trường thông suốt để nợ xấu luôn được vận hành, khơi thông và biến thành nguồn tiền quay vòng trở lại nhà băng.