Bước tiến lớn trong công tác cán bộ
Trong suốt nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020), nhất là trong năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ, công tác cán bộ, đã có nhiều bước tiến. Tại Hội nghị 14, Trung ương đã thống nhất cao trong việc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Là người làm công tác nội vụ lâu năm, cá nhân ông có đánh giá như thế nào về công tác cán bộ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho đến nay, đặc biệt là việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thứ nhất tôi cho rằng sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng rất chặt chẽ. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó quy trình “3 bước” đã chuyển thành quy trình “5 bước”.
Đây là quy trình khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn. Thứ hai, trong quá trình thực hiện quy trình “5 bước” đã có chỉ đạo chặt chẽ; rà soát đi, rà soát lại các đối tượng. Tại đại hội Đảng các cấp, có những người đến giờ phút chót của đại hội cũng bị cho ra khỏi danh sách khi phát hiện có “vấn đề”. Rất nhiều nơi Ban Thường vụ bầu thiếu vì có trường hợp đến phút cuối cùng thấy có “vấn đề” nên bị loại ra để đảm bảo chất lượng. Thứ ba, lần này về cơ cấu tỷ lệ nữ đã đạt yêu cầu 15%, có 9 Bí thư Tỉnh ủy là nữ; tỷ lệ trẻ tuổi cũng rất lớn khi hơn 20 Bí thư Tỉnh, Thành ủy thuộc thế hệ 7X; trình độ học vấn của các nhân sự cũng đã được lên cao.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc thực hiện quy trình “5 bước” đã giúp cho công tác nhân sự của Đại hội lần thứ XIII của Đảng chặt chẽ, dân chủ, khoa học. Quá trình đó đã được Bộ Chính trị chỉ đạo liên tục, rà soát thực hiện nghiêm chỉnh. Trước đây quá trình thực hiện có “vấn đề” nên khi thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn “lọt” một số “trường hợp này, trường hợp kia”. Lần này nhờ có chỉ đạo chặt chẽ, rà soát cho đến cuối cùng nên đến “phút chót” vẫn có trường hợp bị loại ra là như vậy.
Theo ông quy trình “5 bước” có sự nổi trội hơn quy trình “3 bước” như thế nào, phải chăng nó là kết quả của tính toán khoa học trong công tác cán bộ?
-Nhiệm kỳ này chuyển quy trình từ “3 bước” lên “5 bước”. Rõ ràng đây là một sự khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn. Bởi vì Ban Chấp hành sẽ quyết vấn đề nhân sự. Trước kia với quy trình “3 bước” chỉ Ban Thường vụ đưa ra và quyết, nhưng bây giờ “5 bước” thì Ban Chấp hành sẽ “chốt” cuối cùng. Với việc Ban Chấp hành quyết sẽ có đông người rà soát, quyết định hơn, dân chủ hơn và chặt chẽ hơn. Vì Ban Thường vụ một số nơi chỉ có 13-15 người, các thành phố lớn như Hà Nội thì 17 người. Nhưng 13-15 người hay 17 người trong Ban Thường vụ làm sao bằng 60 người hay 70 người trong Ban Chấp hành. Việc số đông cho ý kiến về vấn đề nhân sự chính là dân chủ hơn, nhiều bước rà soát hơn.
Tại Hội nghị 13, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức, Uỷ viên Trung ương dự khuyết và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII. Còn tại Hội nghị 14, Trung ương thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Điều này thể hiện sự thận trọng, thưa ông?
-Từ trước đến nay trong công tác cán bộ vẫn có quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương căn cứ vào các tiêu chuẩn. Ai tái cử? Nếu không tái cử thì giới thiệu ai? Các bộ, ngành địa phương được ứng cử bao nhiêu cũng phải làm quy trình căn cứ theo tiêu chuẩn, độ tuổi. Ở dưới cấp cơ sở cũng trải qua quy trình “5 bước” để giới thiệu lên. Địa phương được giới thiệu 1 nhân sự cũng phải làm quy trình “5 bước” để giới thiệu lên, hay nhân sự các bộ ngành cũng như vậy.
Trường hợp là Ủy viên Trung ương không quá 60 tuổi thì đủ điều kiện tiếp tục tái cử, còn Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không quá 65 tuổi đủ điều kiện tái cử. Dựa trên tuổi để làm quy trình “5 bước”, sau đó giới thiệu lên để Trung ương rà soát lại, bỏ phiếu thông qua danh sách. 67 đơn vị trực thuộc với 63 tỉnh, thành và 4 Đảng ủy Khối đã làm xong quy trình “5 bước”, trình Trung ương xem xét.
Tại Hội nghị Trung ương 12, Trung ương đã thảo luận về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII của Đảng; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đó đến Hội nghị Trung ương 13, Trung ương bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức, Uỷ viên Trung ương dự khuyết và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII.
Đến Hội nghị Trung ương 14, Trung ương thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Sau khi tập hợp danh sách, Bộ Chính trị sẽ trình ra Hội nghị Trung ương 15, trong đó có trường hợp đặc biệt. Chắc chắn tại Hội nghị Trung ương 15 tới đây, Trung ương sẽ chốt danh sách giới thiệu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương bao gồm tái cử và ứng cử mới.
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu kiên quyết ngăn chặn tình trạng tiêu cực, vận động không trong sáng. Vậy theo ông làm sao để thực hiện tốt vấn đề này?
- Con người hôm nay có thể tốt, nhưng mai có thể không tốt. Vấn đề nhân sự cũng vậy. Lúc lựa chọn họ là người tốt nhưng đến khi có chức vụ, nếu không chịu rèn luyện phấn đấu có khi lại thoái hóa biến chất. Con người dễ bị tác động bởi vật chất và quyền lực. Do đó phải kiểm soát quyền lực là như vậy.
Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói cần ngăn chặn việc vận động không trong sáng. Vì vậy, muốn ngăn chặn vấn đề này, chúng ta cần căn cứ vào các quy định để giám sát. Nếu có hiện tượng cần báo cáo để cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói rất buồn là tại Đại hội XII có tình trạng đó cho nên Đại hội XIII cần tránh việc này. Muốn vậy, tôi cho rằng cần nêu cao tinh thần nêu gương, gương mẫu của người đứng đầu các cấp ủy Đảng. Thực hiện tốt Quy định 08 do Trung ương ban hành về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tăng cường kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường dân chủ hóa thông qua việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Việc Đảng lắng nghe các ý kiến góp ý, phản ánh để xử lý chính là dân chủ hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh: “Lần này có thể yên tâm bởi đội ngũ cán bộ các cấp đã được chọn lọc ở cấp ủy các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dù đến nay đã chọn được 200 người vào danh sách dự kiến Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ tới nhưng từ nay đến Đại hội XIII của Đảng danh sách này sẽ tiếp tục được chọn lọc nữa. Qua theo dõi các hội nghị Trung ương, tôi thấy rằng lần này vấn đề đảm bảo chất lượng nhân sự đã được Trung ương thảo luận rất kỹ lưỡng, thận trọng. Cũng không thể tránh khỏi “trường hợp này, trường hợp khác” vì đó là vận động của cuộc sống, của con người nên có thể bộc lộ “vi phạm này, vi phạm kia” trong quá trình “vận động”. Do đó chúng ta cần đề phòng ngăn chặn tình trạng trên”.