‘Mắt lửa ngươi vàng’
Về nguyên tắc, lực lượng quản lý thị trường cần phải phân biệt được các loại hàng hóa là thật hay giả, có vậy mới có thể làm tốt nhiệm vụ. Song, quản lý thị trường cũng không phải là thần thánh để có thể phân biệt đâu là đào rừng và đâu là đào nhà.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyệt đối cấm chặt đào và các loại cây rừng khác, dư luận xã hội lo ngại nếu không có hướng dẫn cụ thể để phân hóa, quy định trên sẽ khiến một bộ phận người dân miền núi trồng đào sẽ gặp khó trong việc tiêu thụ. Về bản chất, đào mà nhiều người dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu... trồng cũng chính là giống đào rừng nên rất khó phân biệt đâu là đào nhà, đâu là đào rừng để xử lý.
Đó là lý do mà mới đây lực lượng QLTT TP Hà Nội đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ NNPTNN cần có hướng dẫn cụ thể để có thể phân biệt được thế nào là đào chặt từ rừng và thế nào là cây đào được người dân vùng sơn cước trồng tại vườn. Nếu không thể phân biệt được đào chặt từ rừng và đào được trồng tại vườn, lực lượng QLTT chỉ có hai lựa chọn, hoặc là tịch thu tất, hoặc là “thả” tất.
“Thả” thì tất nhiên không được, bởi như thế là chống lệnh Thủ tướng Chính phủ. Còn nếu tịch thu và xử lý tất thì sẽ làm khó người dân. Hiện, có nhiều hộ gia đình cũng không mấy khá giả, có chút vốn liếng họ đã đổ hết vào trồng đào với hy vọng có một cái Tết ấm cúng không phải lo thiếu nồi bánh chưng. Song, nếu bị “cấm tuyệt” thì sẽ có nhiều gia đình “mất Tết”.
Với chỉ đạo cấm tuyệt đối việc chặt đào rừng để đảm bảo không ai có thể lợi dụng việc đó để phá rừng là một quyết định đúng. Song, cũng cần có hướng dẫn cụ thể để lực lượng thực thi công vụ có căn cứ thi hành, đồng thời người dân cũng không vì thế mà quá lo lắng. Vì thế, Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan cần sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cụ thể để có thể “vẹn cả đôi đường”.
Theo một số chuyên gia nông, lâm nghiệp thì không khó để phân biệt được đào sống tự nhiên trong rừng và giống đào rừng nhưng trồng tại vườn nhà. Bởi lẽ, phàm các loại sinh vật (bao gồm cả động vật và thực vật) sống trong điều kiện tự nhiên sẽ có sự phát triển rất khác với môi trường được chăm sóc bởi bàn tay con người. Vấn đề ở đây chỉ là các cơ quan hữu trách có vì người dân mà quyết liệt vào cuộc hay không mà thôi.
Hiện, do chưa có sự tham mưu của Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phân loại đào rừng và đào nhà. Do vậy, không chỉ có các hộ gia đình trồng đào lo lắng, mà ngay cả lực lượng chức năng như QLTT cũng lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Nếu không thể phân biệt “đào rừng, đào nhà” sẽ dẫn đến chuyện xử lý không thống nhất giữa các địa phương.
Có nơi sẽ máy móc cứ thấy đào “có dấu hiệu rừng” là tịch thu, xử phạt. Nhưng cũng sẽ có nơi cố phân biệt đào nhà để tạo điều kiện cho người dân làm ăn sẽ dẫn đến để lọt những cây đào rừng thật sự. Bởi vậy, cần lắm sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn, vừa để lực lượng chức năng dễ dàng thực thi nhiệm vụ, người bán đào và người chơi đào cũng không quá lo lắng.
Việc giữ rừng là hết sức cần thiết và cấp bách, để đảm bảo môi trường sống bền vững. Song, Nhà nước đã có cả một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, chỉ cần các bộ, ngành, địa phương, nhất là lực lượng kiểm lâm tuân thủ nghiêm túc quy định, có lẽ rừng đã không bị tàn phá ghê gớm như những năm qua. Trong trường hợp cụ thể này, nếu lực lượng bảo vệ rừng quyết liệt, người dân đâu dễ vào rừng chặt đào phá rừng?
Vậy nên, hoặc là Bộ NNPTNN và các cơ quan liên quan cần có ngay hướng dẫn cụ thể phân biệt giữa đào rừng và đào nhà, vừa để gỡ khó cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, vừa để người dân có thể tiêu thụ được sản phẩm là những cây đào mà họ đã một nắng hai sương chăm bón cả năm, với hy vọng có một cái Tết ấm cúng. QLTT phải luyện “mắt lửa ngươi vàng” để phân biệt đào rừng cũng là vì thế.