Tăng trưởng GDP năm 2021: Con số 6,5% đầy ấn tượng

Ngọc Quang 31/12/2020 07:00

Kết thúc Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, tuy nhiên Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu lên mức 6,5%. Đây là con số dựa trên những tính toán thực tế, kĩ lưỡng và đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

Xuất khẩu năm 2020 vẫn tăng mạnh với tổng kim ngạch ước tính đạt 543,9 tỷ USD, trong đó có đóng góp quan trọng của các mặt hàng nông- thủy sản.

Chuẩn bị nền tảng để tăng tốc

Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn, khi ngay đầu năm đại dịch đã bùng phát, buộc cả nước phải thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt, do đó chỉ số GDP giảm cũng là điều dễ hiểu. Con số dự tính tăng trưởng 7% GDP năm 2020 không đạt. Tuy thế thì với mức tăng GDP 2,91% cũng đã là thắng lợi rất lớn trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm, hoặc đi ngang.

Như vậy, năm 2021 khi mà dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, nền kinh tế cũng sẽ năng động hơn với độ mở lớn hơn thì mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% đặt ra là có cơ sở.

Cũng cần nhắc lại, theo Tổng cục Thống kê, trong năm khó khăn 2020, xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, còn nhập khẩu 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Năm 2020 cũng lại là năm xuất siêu của Việt Nam với 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016.

Đáng chú ý, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 117,9 triệu đồng mỗi lao động, tương đương 5.081 USD và tăng 290 USD so với năm 2019. Điều đó cho thấy trong khó khăn nhưng với cách ứng phó linh hoạt, hiệu quả và quyết tâm cao nên giá trị đạt được vẫn tăng.

Nhìn lại năm 2020 đầy khó khăn, nhưng những gì đạt được cho thấy đây vẫn là năm thành công.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, dẫn lại lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đó là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt. Đây cũng là năm mà tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công rất cao.

Thành công đó đến từ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, mức tăng trưởng khoảng 6,5% GDP năm 2021 hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi là điều đã thấy rõ.

Đáng chú ý, Nikkei - Tập đoàn truyền thông lớn của Nhật Bản - đánh giá cao triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2021, với mức tăng trưởng dự báo 10,9%; nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á - Thái Bình dương, sau khi tăng 2,91% trong năm 2020. Tiếp sau Việt Nam là Indonesia và Malaysia.

Tin vui trước thềm năm mới

Khi năm 2020 đầy khó khăn đi qua, thì ngay trước thềm năm mới 2021 một tin vui nữa lại đến: Vào lúc 21 giờ ngày 29/12 (giờ Việt Nam), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại London, Vương quốc Anh.

UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và UK.

UKVFTA được cho là sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ đối tác chiến lược.

Hiện Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm.

Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%). Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (2019) của Anh.

Đáng lưu ý, Hiệp định UKVFTA có một số điểm mới như về thương mại hàng hóa, ngoài việc hai bên tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, UK vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA; trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản.

Trước đó, ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán UKVFTA, tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng/năm. Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp định UKVFTA dự kiến giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa từ UK sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, nhất là trong những ngành UK có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất... Cùng với đó, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía UK là rất cao.

Từ ngày 1/1/2021, Hải Phòng chính thức triển khai dịch vụ cảng điện tử

Sau một thời gian thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm, từ ngày 1/1/2021, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng chính thức triển khai dịch vụ cảng điện tử (E-port), tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ (Hải Phòng). E-port nhằm mục đích hiện đại hoá, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến thủ tục quy trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Ngô Trung Hiếu cho biết, tin tưởng rằng hệ thống E-port của cảng sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong việc giảm thiểu thời gian, chi phí, giúp khách hàng chủ động trong việc lập kế hoạch làm hàng và tài chính, giảm thiểu các rủi ro trong thanh toán tiền mặt.

Ngọc Quang