Những đại án đình đám được xét xử trong năm 2020
Trong năm 2020, nhiều đại án đình đám thu hút sự chú ý của dư luận, được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG
Sáng 28/12, TAND TP Hà Nội ra phán quyết với 2 cựu bộ trưởng Bộ TT&TT cùng các bị cáo trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Theo cáo trạng, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, các bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT), Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau… đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, thẩm định giá.
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước với tổng số tiền thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện dự án, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn có hành vi đưa và nhận hối lộ.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và bản án sơ thẩm đã tuyên. Theo đó, ông Son là người có chức vụ quyền hạn cao nhất, có vai trò quyết định trong thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG bất chấp quy định của pháp luật nên phải chịu hình phạt cao nhất.
Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Son nhiều lần trao đổi với Phạm Nhật Vũ, có mục đích tư lợi chỉ đạo cấp dưới thực hiện dự án. Sau khi MobiFone chuyển tiền cho AVG, bị cáo Son đã nhận được 3 triệu USD tiền hối lộ từ Phạm Nhật Vũ. HĐXX nhận định, cấp sơ thẩm xử phạt chung thân là thỏa đáng.
Đại án OceanBank
Ngày 27/4/2020, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank và 7 đồng phạm ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, trong vụ án này, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Hà Văn Thắm chỉ đạo chi 1.576 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi trái quy định. Không còn nguồn tiền để hoàn ứng, Hà Văn Thắm chỉ đạo các bị cáo ký kết, hạch toán, thanh toán 44 hợp đồng khống với 19 đối tác có tổng giá trị hơn 133,8 tỷ đồng, gây thiệt hại cho OceanBank.
Do vậy, bị cáo Thắm là người giữ vai trò chính, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống. Hành vi chỉ đạo giả mạo, khai man chứng từ kế toán của bị cáo Thắm đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho OceanBank hơn 106 tỷ đồng. HĐXX tuyên phạt bị cáo Hà Văn Thắm 10 năm tù, cộng với bản án trước đó, ông Thắm phải chịu hình phạt chung là tù chung thân.
Vụ BIDV thất thoát 1.670 tỷ đồng
Ngày 26/10/2020, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.
12 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có 8 người là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV, gồm hai cựu Phó Tổng Giám đốc là ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Lục Lang 8 năm tù; Đoàn Ánh Sáng 6 năm 6 tháng tù. HĐXX nhận định, từ năm 2011- 2016, do áp lực từ cấp trên là ông Trần Bắc Hà (đã chết), các bị cáo này đã cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó vai trò bị cáo Lang cao hơn các bị cáo khác, tiếp đến là bị cáo Sáng và thuộc cấp nên mức hình phạt cần tương xứng với hành vi từng người.
Vụ ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước
Ngày 11/12/2020, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tòa án đưa ra xét xử kín với cáo buộc chủ mưu, chỉ đạo và nhiều lần nhận tài liệu về vụ án Nhật Cường thông qua điều tra viên Phạm Quang Dũng. TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 5 năm tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Ba bị cáo còn lại bị tuyên các mức án từ 18 tháng đến 4 năm 6 tháng tù giam.
Tại tòa, ông Chung thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thành khẩn khai báo và có thái độ ăn năn. Ông Chung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có tiền sử bị bệnh ung thư… nên tòa án tuyên mức hình phạt dưới khung so với cáo trạng truy tố. Trong ảnh: Người thân của các bị cáo đứng bên ngoài trụ sở tòa
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội lĩnh 10 năm tù vì nâng khống giá máy xét nghiệm: Ngày 12/12, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 10 bị cáo trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Một số bị cáo khác nhận mức án từ 5-6 năm 6 tháng tù giam.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp cả xã hội đang căng mình phòng chống dịch, do đó HĐXX cho rằng, cần xử phạt nghiêm để đảm báo tính răn đe. Các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Vụ thất thoát 700 tỷ tại dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương
Sau một tuần xét xử sơ thẩm, ngày 22/12, TAND TP HCM tuyên án đối với 20 bị cáo trong vụ án sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, gây thất thoát nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận hành vi nhưng xác định không phạm tội danh như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, từ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu lời khai của các bị cáo tại tòa và tại cơ quan điều tra, HĐXX cho rằng có cơ sở khẳng định ông Thăng và các cán bộ ở Bộ GTVT đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí.
Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, HĐXX nhận định bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước ngay từ đầu. Bị cáo Hệ được xác định là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo làm giả hồ sơ để được tham gia đấu giá. Mặc dù, bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liều điều tra và lời khai của các bị cáo khác tại tòa, HĐXX xác định đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của của bị cáo Hệ.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng (60 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 8/2011 - 2/2016) 10 năm tù; tổng hợp chung với 2 bản án năm 2018 liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Thăng bị tuyên 30 năm tù.
Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, Út “trọc”, chủ Công ty Yên Khánh) bị HĐXX tuyên phạt tù chung thân về 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. 12 bị cáo còn lại đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Hệ bị HĐXX tuyên từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định hơn 728 tỷ đồng là tiền Đinh Ngọc Hệ có từ hành vi phạm tội nên buộc bị cáo này hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước.