Thành phố mới Thủ Đức: Kỳ vọng và tầm nhìn

Thành Luân 03/01/2021 13:30

Thành phố Thủ Đức là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 1111). Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước của TP HCM.

Một góc thành phố mới Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông của TP Hồ Chí Minh.

Vùng đất lâu đời

Ông Tạ Minh Dương, còn gọi là Tạ Huy, là người có công khai hoang, lập ấp tại vùng Thủ Đức từ khoảng những năm 1679-1725. Tên địa danh “Thủ Đức” được người dân lấy từ tên hiệu của ông Tạ Minh Dương, để tri ân, ghi nhớ công lao của ông đối với vùng đất này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Công Hoài Lương cho biết, vùng đất Thủ Đức vốn là nơi có truyền thống lịch sử lâu đời nếu tính từ thời điểm khai lập, đã trải qua hơn 300 năm. Từ lúc vào khai khẩn đất hoang, ông Tạ Huy đã có ý thức xây dựng tại đây một ngôi chợ lớn, đặt là chợ Thủ Đức nằm ở vị trí thuận tiện giao thương, sau đó đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôi chợ lớn sầm uất của thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, quá trình lịch sử, văn hóa của Thủ Đức gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam cho đến khi thực dân Pháp vào cai trị và khai thác thuộc địa. Từ 1911, quận Thủ Đức được phân về trực thuộc tỉnh Gia Định. Đến năm 1975 một lần nữa được đổi thành huyện Thủ Đức trực thuộc TP Sài Gòn - Gia Định (cũ), sau đó vào năm 1976 trở thành huyện trực thuộc TP HCM.

Từ năm 1997, ba quận mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức, bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Các quận này được duy trì khu vực hành chính cho đến nay và giữ một vị trí địa kinh tế, văn hóa, giao thông, khoa học, giáo dục quan trọng của TP HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Đây cũng là khu vực đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP HCM và khu vực Đông Nam bộ. Với quá trình lịch sử, văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội vượt trội, TP HCM đang kỳ vọng việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận này sẽ đem đến một thời kỳ phát triển mới cho thành phố và cả nước.

“Thủ phủ” tăng trưởng của TP HCM

Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, nhấn mạnh việc thành lập TP Thủ Đức có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù mô hình chính quyền đô thị của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, ngay sau khi thành lập thì TP Thủ Đức sẽ có quy mô của một đô thị hoàn chỉnh, với diện tích 211km2, dân số hơn một triệu người và có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt khi tiếp giáp với khu vực 6 thành phố lân cận, bao gồm TP Thuận An, TP Dĩ An, TP mới Bình Dương, TP Biên Hòa và khu vực trung tâm của TP HCM.

Chính quyền thành phố đặt kỳ vọng Thủ Đức sẽ là hạt nhân để thúc đẩy TP HCM và vùng Đông Nam bộ phát triển. Trong đó, dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương với 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Từ 2021, TP Thủ Đức đã đảm bảo vai trò quan trọng về kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh, bao gồm các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Xa lộ Hà Nội; Quốc lộ 1A (trục giao thông Bắc - Nam); đường Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 1K (đi TP Biên Hòa); Quốc lộ 52;...

Xét về quy mô, mức đóng góp của TP Thủ Đức sẽ chỉ sau GRDP của Hà Nội, trong khi lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Theo Ban soạn thảo, chỉ tính giai đoạn 2016 - 2019, quy mô đóng góp của 3 quận (2, 9, Thủ Đức) đã đạt tỷ lệ thu ngân sách tới gần 37.200 tỷ đồng, trong khi chi ngân sách đạt 11.174 tỷ đồng. Vì vậy, UBND TP HCM có cơ sở khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của TP Thủ Đức từ việc sáp nhập toàn bộ khu vực ba quận phía Đông của thành phố sẽ trở thành nơi phát triển năng động bậc nhất về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Kỳ vọng và tầm nhìn 2021

TP Thủ Đức sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021. Có những vấn đề cần phải giải quyết trước mắt, theo KTS Nguyễn Văn Biểu (Giám đốc Bhomes), một chuyên gia kiến trúc đô thị tại TP HCM, là tập trung quản lý nhà nước thống nhất một đầu mối đối với đô thị mới này. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại, tổ chức đồng bộ, thống nhất một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của TPHCM và cả nước.

Theo ông Biểu, TP Thủ Đức ngoài vai trò động lực cho sự phát triển của TP HCM, còn có vai trò hỗ trợ liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp khu vực kinh tế này xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng thành lập TP Thủ Đức sẽ là đơn vị hành chính động lực của TP HCM. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình thì trước mắt phải giao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền đô thị này. Trong đó, Chủ tịch của TP Thủ Đức phải nắm quyền tương đương với vai trò của Phó Chủ tịch TP HCM.

Về vấn đề này, UBND TP HCM đã có đề xuất kiến nghị Trung ương xem xét tăng thêm số lượng một Phó Chủ tịch TP Thủ Đức so với đề xuất ban đầu của đề án (3 người). Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, công tác chuẩn bị nhân sự cho TP Thủ Đức mới cũng đang được thực hiện, bao gồm cả đề xuất về việc bổ sung thêm một Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Theo đó, tối đa TP Thủ Đức sẽ có 1 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch phụ trách các mảng/lĩnh vực. Dù vậy, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức áp dụng không quá 13 phòng ban, trong đó có 10 phòng thực hiện theo Nghị định 108 (năm 2020) và 03 cơ quan khác được bổ sung theo cơ chế đặc thù. Trước đó, phương án Sở Nội vụ TP HCM trình UBND TP thì UBND TP Thủ Đức chỉ có cơ cấu một Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch.

Ngoài vấn đề nhân sự, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, việc phát sinh nguồn kinh phí để đảm bảo cơ sở vật chất cho TP Thủ Đức sau khi được thành lập là vấn đề cần phải lưu tâm. Bởi vì, nếu số lượng cán bộ dôi dư ra thì xử lý thế nào, giải quyết trong bao lâu cần phải có một lộ trình minh bạch, công khai.

Về vấn đề nan giải kể trên, lãnh đạo UBND TP HCM dự kiến số lượng khoảng 644 cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp hợp nhất 3 quận. Tuy nhiên, chính quyền thành phố cũng đã lên phương án giảm cán bộ theo lộ trình trong 5 năm.

Ngoài ra, khi thành lập TP Thủ Đức và tổ chức sắp xếp lại, TP HCM sẽ còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện. Trong khi đó, đơn vị hành chính cấp xã sẽ gồm 312 đơn vị. Riêng TP Thủ Đức, sau khi thành lập sẽ bao gồm 34 phường, trong đó có 8 khu đô thị cốt lõi để đảm bảo vai trò động lực kinh tế cho TP HCM...

Đảng, Nhà nước đã đồng thuận cho một quyết sách đặc biệt dành cho TP HCM, phù hợp với Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù do Quốc hội ban hành trước đó. Từ cơ sở đó, TP Thủ Đức trong TP HCM chắc chắn sẽ là hạt nhân thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Sau khi thành lập, TP Thủ Đức kêu gọi đầu tư vào 8 trung tâm quan trọng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP HCM. Các khu vực này, bao gồm Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghệ cao và các KCN, KCX); Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ cao (ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Fulbright, ĐH Nông Lâm và các ĐH lân cận); Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ.

Thành Luân