7.000 tỷ đồng cho đường sắt tăng tốc
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh kỳ vọng, khi Dự án 7.000 tỷ đồng hoàn thành, sẽ cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng đường sắt Bắc - Nam. Đặc biệt, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về nâng cao năng lực cho khai thác vận tải. Tuy vậy, dư luận vẫn băn khoăn suốt nhiều năm qua, đã có không ít ưu tiên và lợi thế dành cho ngành đường sắt, nhưng tại sao ngành này lại không thể tận dụng và phát huy có hiệu quả? Vì thế, liệu 7.000 tỷ đồng có giúp đường sắt tăng tốc?
Nỗ lực “làm mới”
Với hạ tầng lạc hậu gần như vẫn giữ nguyên từ 130 năm trước, chi phí quản lý cao, giá vé ít giảm, mất lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác khiến đường sắt đang rơi vào vòng bế tắc. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành đường sắt lại lâm cảnh lao đao khi liên tục oằn vai gánh số lỗ khủng.
Để vượt qua khủng hoảng, thời điểm này, một trong những giải pháp ngành đường sắt áp dụng là tung cả nghìn vé tàu giảm 50% trong tháng 1/2021. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ thực hiện chương trình giảm giá vé nhằm kích cầu hành khách đi lại bằng tàu hỏa trong tháng 1/2021.
Cụ thể, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn triển khai chương trình “6.000 vé giảm giá 50%” cho hành khách đi trên các đoàn tàu công ty quản lý từ ngày 4/1 đến ngày 29/1/2021.
Cùng thời gian từ ngày 4/1 đến ngày 29/1/2021, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng áp dụng chính sách giảm giá vé 50% tương tự với số toa, số chỗ cụ thể trên các mác tàu do công ty quản lý. Ngoài áp dụng trên các đôi tàu khách Thống nhất SE1/SE2, SE5/SE6, chương trình còn áp dụng trên tất cả các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai.
Trước đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, Công ty tổ chức chạy tàu tăng cường Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới dịp Tết Dương lịch 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng của người dân.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, đang áp dụng chương trình giảm giá vé 50% tàu Tết Tân Sửu tuyến Bắc - Nam cho trẻ em từ 6-10 tuổi, tùy theo chuyến tàu và ngày khởi hành. Theo đó, thay vì quy định giá vé trẻ em giảm 25% đang được áp dụng hiện nay, đường sắt sẽ giảm giá 50% với vé tàu có cự ly vận chuyển từ 500km trên một số mác tàu...
Đặc biệt, Dự án 7.000 tỷ đồng nhằm phát triển hạ tầng đường sắt tuyến Bắc - Nam với tiêu chí thực hiện các công trình, hạng mục thiết yếu, ít phải giải phóng mặt bằng, đảm bảo phát huy ngay hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Dự án hoàn thành sẽ từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến và tăng năng lực thông qua 23-25 đôi tàu/ngày đêm. Tốc độ tàu khách bình quân khoảng 80 km/h, tàu hàng khoảng 50 km/h.
Theo Ban QLDA Đường sắt, tháng 5/2020, Bộ GTVT chính thức khởi công gói thầu đầu tiên trong 4 dự án đường sắt thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM. Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021.
Ban QLDA đường sắt được giao làm chủ đầu tư 3 dự án gồm: Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Ba dự án này có quy mô rất lớn với việc xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp gần 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp gần 200 km đường sắt…
Thời điểm này, cả 3 dự án đều đang triển khai thi công các gói thầu xây lắp tại hiện trường, đảm bảo an toàn, chất lượng và cơ bản đáp ứng tiến độ. Trong đó, Dự án Hà Nội - Vinh, 6 gói thầu xây lắp chính về đường, ga đã ký kết hợp đồng, khởi công và triển khai thi công tại hiện trường; Dự án cầu yếu, đã triển khai thi công ngoài hiện trường 4 gói thầu xây lắp, sản lượng trung bình đạt khoảng 40-50% khối lượng theo hợp đồng…
Một số gói thầu xây lắp đường sắt còn vượt tiến độ. Có 3 gói xây lắp cầu đường sắt bị chậm so với tiến độ đặt ra do ảnh hưởng bởi bão lũ và dịch Covid-19 khu vực miền Trung, tuy nhiên không ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.
Ông Nguyễn Văn Uy, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, Ban QLDA 85 cho biết, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành lựa chọn được 4 gói thầu xây lắp Dự án Vinh - Nha Trang do Ban làm chủ đầu tư để triển khai thi công trên tuyến. Trong đó, hai gói số 9, số 10 xây lắp đường sắt đã thi công được gần 50% giá trị gói thầu, dự kiến đến tháng 5/2021 hoàn thành, sẽ về trước tiến độ 2-3 tháng…
Gói thầu số 12 xây lắp hầm đường sắt - đây là hầm dài nhất trong dự án, đã ký xong hợp đồng; nhà thầu đang chuẩn bị, dự kiến giữa tháng 1/2021 sẽ tổ chức thi công ngoài hiện trường.
Kỳ vọng vào sự hồi sinh
Với Dự án “khủng” 7.000 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh kỳ vọng, khi Dự án 7.000 tỷ đồng hoàn thành, sẽ cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng đường sắt Bắc - Nam. Đặc biệt, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về nâng cao năng lực cho khai thác vận tải, đồng thời là cứu cánh cho ngành đường sắt vốn ì trệ trong nhiều năm qua.
“Dự án sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải, chủ yếu như những ga không đủ chiều dài đường đón, gửi tàu, những ga chỉ có 2 đường; đồng nhất tải trọng cầu đường. Như vậy sẽ tăng được chiều dài, tải trọng đoàn tàu, tăng được số lượng đoàn tàu trong ngày, nên vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác được hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo...”, ông Mạnh phân tích.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành đường sắt đã ngốn số vốn khổng lồ của Nhà nước, nhưng hiệu quả hoạt động lại không cao. Với Dự án 7.000 tỷ đồng lần này, dư luận lại “nóng” lên vì nguồn vốn cho duy tu, nâng cấp cũng quá lớn, song theo tính toán, số tiền 7.000 tỷ đồng có vẻ lại chẳng thấm vào đâu so với sự xuống cấp của hạ tầng đường sắt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông từng cho rằng: Để nâng cấp đường sắt Bắc - Nam đạt được cùng tốc độ tàu chạy khách 80-90 km/h và tàu hàng 60-70 km/h, theo tính toán của Jica (Nhật Bản) và Tư vấn Việt Nam, phải mất 1,8 tỷ USD (40.000 tỷ đồng), chưa kể các hạng mục cầu hầm… Số tiền 7.000 tỷ đồng được cấp mới chỉ “sờ” đến các hạng mục ưu tiên của hành lang đường sắt Bắc - Nam, còn để nâng cấp đồng bộ toàn tuyến thì cần số tiền rất lớn.
Bởi vậy, dư luận băn khoăn suốt nhiều năm qua, đã có không ít ưu tiên và lợi thế dành cho ngành đường sắt, nhưng tại sao ngành này lại không thể tận dụng và phát huy có hiệu quả? Vì thế, liệu 7.000 tỷ đồng có giúp đường sắt tăng tốc?
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam chia sẻ: Có ý kiến cho rằng đường sắt Việt Nam nhiều năm vùng vẫy trong manh áo hạ tầng chật hẹp để tồn tại nên họ làm được gì trong hệ thống hạ tầng thế này cũng cần khuyến khích.
“Do vậy, đường sắt muốn thay đổi thì cần cú hích lớn nhất là cơ sở hạ tầng để nâng cao tốc độ chạy tàu lên. Hiện nay tốc độ khai thác của tàu hỏa chỉ đạt 57 km/h thì không thể cạnh tranh được với các phương tiện khác. Nếu đường sắt chạy từ Hà Nội vào Đà Nẵng với tốc độ khai thác 200 km/h thì chắc chắn đường bộ và hàng không khó cạnh tranh lại với đường sắt. Chưa kể, đi tàu làm thủ tục thuận tiện hơn máy bay, trên tàu có thể trao đổi, làm việc, giải trí dễ hơn trên máy bay, ôtô”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho hay.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái khẳng định, muốn nâng tốc độ đường sắt cần đầu tư, thay đổi hạ tầng đường sắt hiện tại mà cơ sở hạ tầng đường sắt lại cần sự đầu tư của Nhà nước. Vấn đề này được nhìn ra và phân tích nhiều năm nay nhưng nói như nhiều đại biểu Quốc hội, cuối cùng là nằm ở vốn và lộ trình đầu tư. Vốn vẫn là vấn đề lớn nhất và hiệu quả đầu tư thu hồi vốn của đường sắt chậm hơn các loại hình khác. Trong khi nếu tạo được một trục xương sống vận tải bằng đường sắt sẽ có nhiều lợi ích tổng thể cho xã hội. Khi đó sẽ làm giảm chi phí xã hội, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.