Vàng - một năm rung lắc
Năm 2021 giới đầu tư cho rằng, vàng vẫn là vịnh tránh bão an toàn. Liệu giá có thiết lập những kỷ lục về biên độ tăng giảm giá đến chóng mặt, đầu cơ vàng có bỏng tay… là những câu hỏi đặt ra với mặt hàng kim loại quý trong năm 2021.
Phòng thủ vào vàng
Phần lớn, những ai đang giữ vàng hoặc chơi vàng đều kỳ vọng giá vàng sẽ cao nhất mọi thời đại trong năm 2021.
Đương nhiên lý do để kỳ vọng không phải không có. Khi mà các động lực chính thúc đẩy giá vàng bao gồm lạm phát, đồng USD suy yếu hơn, tâm lý lo ngại về tiến trình phục hồi kinh tế, tâm lý lo ngại giảm giá tiền tệ và lãi suất thấp khá nhiều. Chưa kể khi các nước đã bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19, đại dịch Covid-19 được khống chế kiểm soát, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng lên khiến nguồn cung bị thiếu hụt, dẫn đến giá cả và lạm phát cao hơn, dòng tiền sẽ lại được chảy sang kênh vàng để phòng thủ vốn?
Giới phân tích chỉ ra sức hút lớn của vàng vào năm 2021 sẽ là vai trò bảo vệ chống lại lạm phát trong bối cảnh nới lỏng định lượng và in tiền lớn. Do vậy, nhiều đặt cược về giá vàng được đưa ra như trong năm 2021, vàng có thể vượt qua 2.100 USD/ounce. Chưa kể, sau một thời gian chững giá, vàng đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá.
Trong khi đó nhà phân tích Mike McGlone của Bloomberg Intelligence chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ tăng, nới lỏng định lượng và câu chuyện trong lý thuyết tiền tệ hiện đại là những lý do đằng sau việc vàng sẽ lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2021.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác có thể thúc đẩy vàng đạt mức 2.100 USD/ounce trong năm tới là sự biến động của thị trường chứng khoán.
Thị trường cổ phiếu Mỹ đang giao dịch ở mức cực đoan lịch sử bởi vì các nhà đầu tư lạc quan về vaccine Covid-19. Vào năm 2021, thị trường chứng khoán có thể biến động trong suốt cả năm và điều đó sẽ hỗ trợ cho giá kim loại quý.
Trên thực tế, các quỹ đầu tư “cá mập”, các định chế tài chính lớn đã bắt đầu gom vàng từ 3 - 4 năm trước. Covid-19, làn sóng bơm tiền của các quốc gia… chỉ là “ngọn gió” khiến lửa vàng bùng cháy thêm. Thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho biết lượng mua vàng của các ngân hàng Trung ương đạt mức cao nhất 60 năm qua, với gần 700 tấn trong năm 2019. Các quỹ đầu tư, các định chế tài chính cũng đang đẩy mạnh mua, gom giữ vàng. Riêng các quỹ ETF vàng trên thế giới đã có 7 tháng mua ròng liên tục (tính đến tháng 6/2020) - chu kỳ mua ròng dài nhất lịch sử.
Theo dự báo của giới chuyên gia giá vàng tiếp tục xu hướng tăng ít nhất 2 - 3 năm tới, bởi ngay cả khi Covid-19 được khống chế, nền kinh tế sẽ mất vài năm để phục hồi, nên dòng tiền vẫn phòng thủ vào vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng tiếp tục tăng, ít nhất đến khi Covid-19 được khống chế.
Một năm xác lập nhiều kỷ lục
Trong khi đó nhìn lại năm 2020, giá vàng đã có mức tăng kỷ lục 22%, được đánh giá là kênh đầu tư sinh lợi cao nhưng rủi ro rất lớn. Năm 2020 giá vàng có nhiều ấn tượng. Tăng nhanh nhưng giảm rất nhanh. Dù đã được khuyến cáo rất nhiều, một số nhà đầu tư đã bị cơn lốc giá vàng làm mờ mắt.
Lật lại lịch sử giá vàng trong quãng thời gian tháng 8/2019 cho thấy giá vàng biến động điên đảo. Đỉnh của giá vàng được tạo ra ngày 7/8 khi giá vàng tăng lên 62 triệu đồng/lượng. Nhưng đến ngày 11/8, giá vàng lao dốc không hãm được phanh, đến ngày 12/8 giá vàng chỉ còn 51,570 triệu đồng/lượng.
Tăng giảm 10 triệu đồng trong quãng thời gian 5 ngày là mức biến động quá khủng khiếp đối với một kênh đầu tư. Điều này khiến cho nhiều người giàu lên vì vàng nhưng cũng trắng tay vì vàng. Bởi khi vàng tăng giá không ai bán, đến khi giá rớt thảm người dân lại kéo nhau đi “xả” hàng.
Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở thủ đô Hà Nội còn tạm ngưng thu mua vàng, hoặc nếu có thu mua thì viết phiếu hẹn ngày thanh toán.
Trên hầu hết các diễn đàn kinh doanh về vàng, thì câu chuyện “canh giá” trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Ngay cả những người thờ ơ với vàng cũng phải theo dõi diễn biến giá vàng. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở giá, thị trường vàng nội địa vẫn tiếp tục có biểu hiện lệch pha với vàng thế giới.
Tốc độ giảm của giá vàng trong nước đang nhanh hơn nhiều so với thế giới, và tốc độ tăng cũng tăng nhanh hơn nhiều so với thế giới. Trong khi vàng thế giới chỉ mất 130 USD một ounce (tương đương 4 triệu đồng một lượng) trong 3 ngày thì giá vàng SJC giảm tới hơn 10 triệu một lượng.
Ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, thị trường trong nước và quốc tế có liên thông, nhưng mức độ vừa phải vì các doanh nghiệp không được xuất nhập khẩu vàng. Thị trường chủ yếu do nhu cầu mua bán, tích trữ của dân là chính.
Hiện nay thị trường vàng Việt Nam đang được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Tuy nhiên có câu hỏi đặt ra, liệu giá vàng trong nước có bị làm giá khi tốc độ tăng và giảm không cùng nhịp với giá vàng thế giới? Bởi khi đăng bài viết này vào những ngày cuối cùng của năm kinh tế 2020, giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Theo khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, từ khi Nghị định 24 đi vào cuộc sống đã cho thấy lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỉ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Nếu như giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa, vì dù sao vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ.
Vẫn nằm ngoài dự báo
Biến động của thị trường vàng vô cùng phức tạp, nhiều khi nằm ngoài mọi dự báo. Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nhà đầu tư lướt sóng phải thật cẩn trọng.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, đầu tư vàng chỉ thích hợp với người có khẩu vị rủi ro cao và nắm giữ dài hạn. Giá vàng có vài nhịp giảm rồi lại tăng, khó đoán định. Tuy nhiên, trong trung, dài hạn, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ rất tốt.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng giá vàng thời gian tới, đại diện Hiệp hội Kinh doanh Vàng cho biết, khi giá tăng cao sẽ có nhịp điều chỉnh. Hiện nay, hoạt động mua bán vàng của người dân trong nước vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng của tâm lý đám đông, nên người mua phải thật bình tĩnh để nhận định. Nếu người mua vàng xem vàng là tài sản cất giữ thì khác, nhưng mua vàng để đầu tư, đầu cơ kiếm lời thì sẽ nhiều rủi ro do giá vàng lên xuống thất thường.
“Nếu nhà đầu tư có quan điểm lo ngại đồng tiền mất giá, các kênh đầu tư khác lợi nhuận ít hơn thì có thể chia một tỷ lệ tương đối để đầu tư vào vàng” - đại diện Hiệp hội Kinh doanh Vàng chia sẻ.
Còn khuyến cáo của các nhà kinh doanh vàng lớn thì nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Các quỹ đầu tư “cá mập”, các định chế tài chính lớn đã bắt đầu gom vàng từ 3 - 4 năm trước. Covid-19, làn sóng bơm tiền của các quốc gia… chỉ là “ngọn gió” khiến lửa vàng bùng cháy thêm. Thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho biết lượng mua vàng của các ngân hàng Trung ương đạt mức cao nhất 60 năm qua, với gần 700 tấn trong năm 2019. Các quỹ đầu tư, các định chế tài chính cũng đang đẩy mạnh mua, gom giữ vàng. Riêng các quỹ ETF vàng trên thế giới đã có 7 tháng mua ròng liên tục (tính đến tháng 6/2020) - chu kỳ mua ròng dài nhất lịch sử. Câu chuyện “canh giá” trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Ngay cả những người thờ ơ với vàng cũng phải theo dõi diễn biến giá vàng.