Văn chương Việt vươn ra thế giới
Thời gian qua, đã có một số tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc song chủ yếu đều xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân của các nhà văn. Vì thế, việc gần đây xuất hiện những nhà văn viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tìm cách xuất bản ở nước ngoài khiến nhiều người chú ý, mở ra một cánh cửa để văn học Việt đến với bạn đọc thế giới.
1. Bất chấp một năm nhiều thứ phải “án binh bất động” vì đại dịch Covid-19 bủa vây, văn chương Việt Nam vẫn có những tín hiểu khởi sắc. Ở trong nước, Đại hội X Hội Nhà văn Việt Nam đã được tổ chức, bầu ra chủ tịch mới là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mang đến nhiều kỳ vọng hơn về một bức tranh sáng của văn học Việt, nhất là mở ra những cánh cửa để văn học Việt Nam được dịch và xuất bản nhiều hơn ở các nước trong khu vực và thế giới. Cũng ở trong nước, sau quãng thời gian “ở nhà tránh dịch” nhiều nhà văn đã tập trung hoàn thành những tác phẩm mới, và nhiều người đã kịp xuất bản vào những tháng cuối năm, như Nguyễn Nhật Ánh với “Con chim xanh biếc bay về” lần đầu in tới 150 ngàn bản, Nguyễn Ngọc Tư với tiểu thuyết “Biên sử nước”, Bình Ca với tập truyện “Đi trốn”…
Tín hiệu khởi sắc của văn chương Việt năm 2020 cũng có thể nhìn thấy ở một số nhà văn đang sinh sống ở nước ngoài, hoặc có nhiều thời gian sống ở nước ngoài, như Nguyễn Phan Quế Mai, Kiều Bích Hậu…
Nếu Nguyễn Phan Quế Mai gây sự chú ý với tiểu thuyết “The Mountains Sing” (tạm dịch: “Những ngọn núi ngân vang) thì Kiều Bích Hậu có “The Unknown” (Ẩn số). Điều đáng quan tâm, cả hai tác giả này đều viết trực tiếp bằng tiếng Anh và chủ động hợp tác với các nhà xuất bản ở Mỹ, Anh, Hà Lan, Italia để sách của mình đến nhanh với bạn đọc quốc tế.
Có thể nói, sau nhiều thập niên bạn đọc nước ngoài biết đến văn chương Việt với những cái tên Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn… qua bản dịch của nhiều dịch giả nước ngoài, thì nay đã có thể đọc trực tiếp tiểu thuyết, tập thơ của các nhà văn Việt Nam khi họ viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Đây có thế nói là một “bước chuyển” đáng ghi nhận của văn chương Việt trong năm qua.
2. Vậy những tác phẩm mới của các nữ nhà văn viết trực tiếp bằng tiếng Anh đề cập đến vấn đề gì? Đó là một trong nhiều câu hỏi mà độc giả quan tâm. “Những ngọn núi ngân vang” của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai dày hơn 300 trang, kể về số phận bốn thế hệ trong một gia đình người Việt qua các thời kỳ của chiến tranh. Tiểu thuyết là sự kế thừa văn hoá kể chuyện của người Việt. Tác phẩm bắt đầu bằng việc một người bà kể cho người cháu nghe những gì đã xảy ra với gia đình mình trong lúc hai người phải trốn chạy khỏi những trận bom Mỹ dội xuống Hà Nội. Người cháu tiếp tục những câu chuyện ấy của người bà để rồi khi người bà mất đi, cô viết lại những gì xảy ra với gia đình mình. Khi hoàn thành tiểu thuyết, cô đốt bản sao của bản thảo trước ngôi mộ của người bà đã mất để bà có thể đọc ở thế giới bên kia.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ, lịch sử Việt Nam có rất nhiều thăng trầm, có quá nhiều đau thương, mất mát. Với tiểu thuyết này, chị muốn tái hiện lại những biến cố chính trong chiều dài lịch sử ấy, qua thân phận của những người dân bình thường. “Bạn đọc quốc tế hầu như chỉ biết về Việt Nam qua cuộc chiến tranh. Qua tiểu thuyết này, tôi muốn khắc họa nên hình ảnh của một Việt Nam giàu truyền thống văn hoá bao gồm truyền thống văn học (kể cả văn học dân gian). Dù phải đi qua rất nhiều thảm kịch, nhưng niềm tin và hy vọng vào tương lai, vào lòng tốt con người là những ngọn đuốc sưởi ấm cho các nhân vật trong tiểu thuyết, giúp họ vượt qua nhiều vực thẳm của bóng đêm”, tác giả nói.Tác giả không chỉ khắc họa rõ nét những đau thương mất mát và sự chia lìa do chiến tranh mang đến, tiểu thuyết ngợi ca tình yêu gia đình, giá trị của hi vọng và lòng vị tha.
Nguyễn Phan Quế Mai đã viết tiểu thuyết này trong vòng 5 năm, sau khi sách ra mắt ở Mỹ, rồi Hà Lan, mới đây cuốn sách đã được NXB Oneworld (London, Anh) phát hành.
Trong đó, nhà văn Kiều Bích Hậu với tập thơ “The Unknown” (Ẩn số), viết bằng ngôn ngữ Anh, được chuyển ngữ tiếng Italia-- và xuất bản ở nước này hồi cuối tháng 7 năm nay.
“Ẩn số” với 33 bài thơ tình giàu cảm xúc. Sau khi Kiều Bích Hậu viết bằng tiếng Anh, nhà thơ - dịch giả Laura Garavaglia là người đã chuyển ngữ sang tiếng Itali. Nhà thơ - dịch giả Laura Garavaglia nhận xét về “Ẩn số”: “Đó là giọng nói của một người phụ nữ Việt, người tìm kiếm trong tình yêu sự khẳng định bản thân, giải phóng khỏi các định kiến giới tính và bất bình đẳng vẫn hiện diện trong xã hội. Tôi rất vui khi được dịch những câu thơ của cô ấy từ nguyên bản tiếng Anh. Tập thơ “The Unknown” (Ẩn số) của Kiều Bích Hậu là những câu thơ mà tác giả dành cho người đàn ông cô yêu, ở rất xa vì cô sống ở lục địa khác, sự hiện diện của cô được cảm nhận nhờ ký ức về những khoảnh khắc bên nhau, những khoảnh khắc mà thơ ca hồi sinh mãnh liệt, từ đó nổi bật những tâm trạng khác nhau và thường trái ngược nhau, chắc chắn là bởi vì tình yêu, trong một cảm giác đa diện”.
Trong khi đó, nhà văn Kiều Bích Hậu cho biết: “Mùa xuân năm 2019 tôi sang châu Âu, trong khoảng thời gian đó, tôi gặp duyên, có được người bạn tri kỷ, thích trò chuyện về chữ nghĩa, thích gieo vần và sáng tạo với mỗi chữ, nên có ảnh hưởng tới tôi. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên trong tập “The Unknown” (Ẩn số) đã đến với tôi vào một đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (Vương quốc Bỉ), tôi chợt tỉnh ngủ giữa đêm, trằn trọc và từng câu thơ cứ hiện lên. Tôi thấy thú vị quá, nên trở dậy, bật đèn và viết vào một tờ giấy nháp. Những ngày sau đó, tôi viết thơ khi ở Bỉ, khi sang Pháp, lúc đang làm bếp, hoặc khi đợi tàu điện ngầm… Tập thơ gần như hoàn tất trong thời gian tôi ở châu Âu”.
3. Văn chương Việt có nhiều tác phẩm tốt, gây tiếng vang, song những năm vừa qua, số lượng tác phẩm được dịch tác phẩm giới thiệu ở nước ngoài còn khá hạn chế. Nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng, có nhiều nguyên nhân. “Một trong những lý do, đó là chúng ta thiếu đội ngũ dịch giả. Người Việt Nam đi du học nhiều, và nhiều người trong số họ trở thành dịch giả, nhưng hầu hết dịch xuôi (do quá trình học tập ở nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ, thẩm thấu vẻ đẹp văn hóa, văn học ở nước đó, nên họ dịch tác phẩm nước ngoài, giới thiệu cho độc giả Việt Nam). Ngược lại, người nước ngoài du học tại Việt Nam rất ít nên có ít dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt. Ta tự dịch ngược thì thiếu tự tin, vì vẫn dựa vào từ điển là chính, không tư duy bằng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ ấy chưa là máu thịt. Điều này quả thực là một thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà văn Việt Nam, khi sức lan tỏa tác phẩm không vượt qua biên giới”, nhà văn Kiều Bích Hậu phân tích.
Theo chị, một trong những bất lợi của hầu hết các nhà văn Việt Nam là ngoại ngữ. Hai trường hợp nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Mai Văn Phấn đều biết ít nhất ngôn ngữ thông dụng trong giao dịch quốc tế, đó là ngôn ngữ Anh. Chính vì nhà văn Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, và sau này là Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li có thể đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận lượng bạn đọc hoàn toàn khác, là vì các nhà văn đó đã biết dùng ngoại ngữ để liên tục kết nối với bạn văn nước ngoài, và từ họ, biết được “lối đi” đến các nhà xuất bản nước ngoài. Theo nữ nhà văn sinh năm 1972 này, cơ hội xuất bản ở nước ngoài luôn có, chỉ có điều cá nhân mỗi nhà văn phải tự thân vận động, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này để đặt mục tiêu và tiến tới mục tiêu.
Tất nhiên, việc tự tìm đường, tự mở đường cho mình không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có thể làm được. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là ngoại ngữ thì hầu hết các nhà văn Việt Nam đều thiếu và yếu. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ngồi một chỗ chờ thời, hay đợi chờ các dịch giả nước ngoài tìm tới. Trong thời hội nhập, sự chủ động của các nhà văn cũng có yếu tố quyết định. Và chỉ có sự chủ động, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó rất cần một tổ chức đại diện đứng ra, thì văn chương Việt mới có cú vươn mình mạnh mẽ để đến với bạn đọc thế giới.