Tại sao uống thuốc tránh thai lại tăng huyết áp?
Có khoảng 1% những trường hợp dùng thuốc có tăng huyết áp nặng, tuy cơ chế gây tăng huyết áp chưa rõ.
Theo Sức khỏe đời sống, bà Nguyễn Thị Lành (Bắc Ninh) hỏi: Tôi năm nay 37 tuổi. Sau khi sinh con thứ 2 tôi đã uống thuốc tránh thai. Tuy nhiên, mới đây tôi tự đo huyết áp tại nhà thì thấy huyết áp tăng hơn. Xin hỏi có phải tôi bị tăng huyết áp là do thuốc tránh thai không? Tôi có nên ngừng thuốc?
DS. Thảo Đan trả lời:
Chị Lành thân mến! Đến nay đã có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa tăng huyết áp với các thuốc tránh thai. Bên cạnh việc điều hòa hormon sinh dục, thuốc ngừa thai cũng làm hẹp những mạch máu li ti, tăng áp lực lên hệ tim mạch. Các viên thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen và progesteron có khuynh hướng làm tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là do tăng thể tích do hoạt tính hệ renin - angiotenin - aldosteron tăng. Có khoảng 1% những trường hợp dùng thuốc có tăng huyết áp nặng, tuy cơ chế gây tăng huyết áp chưa rõ. Viên thuốc tránh thai chỉ chứa có progesteron thì không gây tăng huyết áp. Tăng huyết áp ít thấy ở những người sử dụng những viên estrogen liều thấp.
Ở một số phụ nữ, sau khi dùng viên thuốc tránh thai hỗn hợp được vài tháng thậm chí vài năm, huyết áp mới bắt đầu tăng nhanh. Nguy cơ tăng huyết áp liên quan tới thuốc tránh thai càng cao ở phụ nữ trên 35 tuổi, những người đã dùng thuốc tránh thai trên 5 năm, những người béo phì và nghiện thuốc lá.
Theo như thư chị kể thì có lẽ chị bị tăng huyết áp thứ phát mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc dùng thuốc tránh thai kéo dài. Chị có thể ngừng dùng thuốc tránh thai và chuyển sang dùng biện pháp tránh thai khác thích hợp hơn, để tránh bị tăng huyết áp. Huyết áp trở về mức độ bình thường nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào từng người.
Nếu quá dài, trên 18 tháng, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để xem xét lại nguyên nhân tăng huyết áp. Để an toàn khi dùng thuốc tránh thai, chị nên đến khám tại phòng khám chuyên khoa để khám và tư vấn. Các bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc, đổi thuốc khác cho phù hợp.
Cách uống thuốc tránh thai hàng ngày
Đối với vỉ 21 viên
Cách uống vỉ đầu tiên: 1 viên/ngày, từ ngày thứ 1 của chu kỳ kinh, liên tục suốt 21 ngày; nếu kinh nguyệt đã xảy ra trong vòng 5 ngày: uống viên đầu tiên vào ngày thứ 5 và tiếp tục 1 viên/ngày cho đến hết vỉ thuốc, dùng kèm bao cao su hoặc kiêng giao hợp trong 7 ngày đầu uống thuốc.
Cách uống vỉ kế tiếp: Nghỉ 7 ngày sau khi uống hết vỉ đầu tiên, bắt đầu uống vỉ thứ 2 cho dù kinh nguyệt xuất hiện vào ngày nào.
Đối với vỉ 28 viên
Đối với vỉ 28 viên, ngoài 21 viên chứa hormon tránh thai còn có thêm 7 viên giả dược chứa đường hoặc sắt... chứ không chứa thành phần hormon. Sở dĩ có thêm 7 viên giả dược nhằm giúp người dùng uống thuốc liên tục, tránh quên thuốc.
Cách sử dụng cũng giống như loại vỉ 21 viên: Uống viên thứ nhất vào ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, mỗi ngày 1 viên cho đến hết 28 viên của vỉ thứ nhất thì chuyển sang uống vỉ thứ hai... và cứ tiếp tục uống hết vỉ này thì sang vỉ khác.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Mặc dù không quy định giờ uống thuốc tối ưu cho bất cứ loại thuốc nào. Tuy nhiên, nên uống vào một thời điểm cố định trong ngày để tránh quên thuốc. Tốt nhất, nên uống thuốc vào buổi sáng, để trong trường hợp quên thuốc thì có thể uống bù một viên vào buổi chiều hoặc tối cùng ngày. Thuốc có thể uống cùng hoặc xa bữa ăn và cần nuốt nguyên viên, có thể sử dụng đồ uống phù hợp.
Nếu bệnh nhân muốn thay đổi giờ uống thuốc, nên bắt đầu thay đổi khi uống một vỉ thuốc mới (luôn thay đổi theo hướng tiến thời gian lên) với khoảng thời gian trì hoãn không vượt quá 12 giờ.
Khi đi du lịch ở nước ngoài và có chênh lệch múi giờ, nên tiếp tục uống thuốc theo múi giờ của nước mình. Trong trường hợp không thể thực hiện được có thể thay đổi giờ uống thuốc, nên uống sớm hơn bình thường và không được uống muộn quá 12 giờ.
Nếu bạn đang điều trị bệnh lý khác hoặc đang sử dụng một số thuốc khác thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc tránh thai, vì một số nhóm thuốc dưới đây khi dùng chung với thuốc tránh thai sẽ gây tương tác thuốc, thay đổi hiệu lực của thuốc tránh thai: Thuốc chống lao (rifampicin), thuốc chống động kinh (hydantoin, phenobarbital, carbamazepin), kháng sinh penicillin, tetracyclin và các dẫn xuất, than hoạt và các chất hấp phụ khác, các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, vitamin C, cimetidin, promethazin, các sulfamid kháng khuẩn, các loại hormon tuyến giáp , thuốc chống tăng huyết áp, thuốc nhuần tràng .