Tự ý dùng kháng sinh trị cảm cúm: Phản tác dụng
Bạn không nên tự ý hay lạm dụng kháng sinh khi chưa được sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ, cũng không nên coi kháng sinh là thần dược trị cảm cúm.
Theo Sức khỏe đời sống, bạn Lê Văn Hòa (Thanh Hóa) hỏi: Thời tiết thay đổi, tôi thường hay bị cảm cúm, nhiều người bảo tôi nên mua thuốc kháng sinh về uống cho nhanh khỏi. Vậy xin hỏi bác sĩ, việc làm này có đúng không? Mong được giải đáp.
Bác sĩ Lê Thanh Vân trả lời: Cảm lạnh, cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Khi bị các tình trạng này có thể điều trị giảm triệu chứng bằng cách uống thuốc giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên không ít người lại có thói quen cứ thấy ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, thậm chí là ho do dị ứng thời tiết hoặc khói bụi... là mua thuốc kháng sinh về dùng. Trong khi đó thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virus. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cúm hoặc các bệnh cảm, ho thông thường khác do virus gây nên.
Sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm có thể bạn sẽ bị nhiễm khuẩn (bội nhiễm vi khuẩn). Lúc này, một số dấu hiệu nhiễm khuẩn là đau quanh mặt và mắt, ho ra chất nhầy đặc, màu vàng hoặc màu xanh lá. Nếu các triệu chứng này kéo dài hoặc tình trạng trở nên xấu hơn mỗi ngày thì có thể cơ thể đã bị nhiễm vi khuẩn, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra, lúc này bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh nếu thấy cần thiết cho điều trị.
Bạn không nên tự ý hay lạm dụng kháng sinh khi chưa được sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ, cũng không nên coi kháng sinh là thần dược trị cảm cúm. Vì tự dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh khiến bệnh không khỏi mà còn dẫn đến nhiều biến chứng, làm cho việc chữa trị bệnh sẽ kéo dài hơn. Việc dùng thuốc kháng sinh bừa bãi còn làm tăng nguy cơ phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh hết sức nguy hiểm, thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường sau này.
Vì vậy, để tránh hậu quả và dùng thuốc an toàn, khi có bệnh, bạn cần đi khám để dùng đúng thuốc. Khi được kê đơn dùng kháng sinh, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và uống đúng liều được kê.
Trẻ bị cảm cúm có nên dùng kháng sinh?
Thời tiết thay đổi thất thường, ô nhiễm, khói bụi khiến nhiều người mắc phải cảm cúm, đặc biệt là trẻ em. Khi trẻ bị cảm cúm, cha mẹ thường tự ý mua các loại thuốc kháng sinh về cho con uống mà không cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, điều này hết sức nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ có khả năng kìm hãm và tiêu diệt được vi khuẩn, hoàn toàn không có tác dụng đối với vi rút. Do vậy, việc tự ý mua và điều trị kháng sinh khi bị cảm cúm là không đúng và sẽ không giúp bệnh thuyên giảm.
Không chỉ vậy, biểu hiện chính của bệnh cảm cúm là ho, sốt, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy nếu chưa chẩn đoán chính xác được bệnh đã tự ý điều trị bằng kháng sinh càng khiến bệnh trở nên nặng hơn, đặc biệt là làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Điều đáng nói, việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy, ban đỏ,… trong khi bệnh cảm cúm vẫn không khỏi.
Khi nào được sử dụng kháng sinh trị cảm cúm?
Theo các chuyên gia sức khỏe, trong trường hợp trẻ bị cảm cúm thông thường, không bị bội nhiễm vi khuẩn thì không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh trị cảm cúm khi xác định trẻ bị nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, tránh gây hại đến cơ thể của trẻ.
Các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nếu trẻ bị cúm nhẹ, bố mẹ có thể chữa trị ở nhà bằng cách súc miệng nước muối, uống nhiều nước kết hợp chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, nếu thấy con bị ho nhiều, khó thở, tức ngực, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời vì rất có thể lúc này trẻ đã bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Những bội nhiễm thường gặp là nhiễm trùng hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi làm bệnh kéo dài và việc điều trị cũng phức tạp, tốn kém hơn.
9 mẹo chữa cảm cúm tại nhà giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh
Cảm cúm là một bệnh về hô hấp khiến người bệnh bị nhiễm trùng ở mũi, họng và đôi khi là phổi. Các triệu chứng cảm cúm thường xuất hiện đột ngột, bao gồm sốt, đau nhức, cảm thấy mệt mỏi, ho khan…
Các thuốc kháng virus được bác sĩ chỉ định sẽ làm giảm bớt triệu chứng cảm cúm. Trong nhiều trường hợp bệnh cúm từ nhẹ đến trung bình, những biện pháp đơn giản tại nhà dưới đây sẽ phần nào giúp bạn khỏe hơn.
1. Uống nhiều nước
Cảm cúm có thể khiến cơ thể mất nước, đặc biệt khi bạn bị nôn mửa hay tiêu chảy. Vì vậy, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể nhờ sử dụng các loại nước lọc, nước trái cây hay đồ uống bổ sung chất điện giải. Uống trà thảo dược với mật ong có thể giúp làm dịu cơn đau họng, đồng thời cũng là một mẹo trị cảm cúm hiệu quả.
Tuy nhiên, bạn nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì chúng có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể bạn mất nước nhiều hơn.
Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn nên uống nước với từng ngụm nhỏ. Thế nhưng, làm thế nào để biết được bạn đã bổ sung đủ nước cho cơ thể? Hãy quan sát màu sắc nước tiểu, tốt nhất là chúng nên có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu.
2. Dùng thức ăn dạng lỏngdinh dưỡng khi cảm cúm
Thông thường, mọi người thường ăn súp gà hay cháo gà khi bị cảm lạnh hay cảm cúm nhưng điều này có thật sự là cách chữa cảm cúm hiệu quả?
Câu trả lời là có, một nghiên cứu đã cho thấy súp gà có thể giúp làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp của bệnh cảm cúm.
3. Để cơ thể nghỉ ngơi
Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu cảm thấy không muốn tập thể dục, đừng cố gắng. Nếu cơ thể bạn muốn nằm trên giường cả ngày, hãy cứ nghỉ ngơi. Đừng cố giải quyết những công việc hàng ngày khi các triệu chứng cảm cúm đang trở nên trầm trọng. Nghỉ ngơi cũng là cách hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả.
Bên cạnh đó, đừng thức quá khuya hay ngủ không đủ giấc. Một chu kỳ giấc ngủ hợp lý sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Vậy nên, bạn cần phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm khi bị cảm cúm.
4. Tăng độ ẩm môi trường xung quanh
Không khí ẩm sẽ giúp bạn giảm nghẹt mũi và đau họng. Bạn có thể sử dụng máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm cho không khí trong nhà.
Đơn giản hơn, bạn cũng có thể bật vòi hoa sen với nước nóng và ngồi trong nhà tắm để hít thở không khí trong một vài phút. Tuy nhiên, bạn nhớ làm vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh để không tạo môi trường thuận lợi cho nấm mốc phát triển.
5. Xông hơi
Nếu bạn muốn làm cho đường thở “thông thoáng” một cách nhanh chóng, hãy đun một nồi nước sôi để xông mũi.
Bắc một nồi nước, đun sôi rồi mang đến một nơi ngồi thoải mái, dùng một chiếc khăn trùm lên đầu, nhắm mắt lại và hơi ngả người về phía trước để hơi nước bốc lên mặt. Bạn ngồi yên như vậy và hít thở sâu trong vòng 30 giây.
Bạn cũng nên thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà hay khuynh diệp vào nồi nước để tăng thêm khả năng kháng khuẩn và loại bỏ đờm. Thực hiện phương pháp này thường xuyên để giảm bớt nghẹt mũi.
6. Sử dụng túi chườm nhiệt
Chườm khăn ấm lên trán và mũi cũng một cách tuyệt vời giúp giảm đau đầu hay đau xoang. Từ đó, giúp chữa cảm cúm hiệu quả.
Đôi khi các vấn đề nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc cúm có thể dẫn đến tình trạng viêm xoang, gây ra những cơn đau nhức khó chịu ở mặt, đầu và răng.
7. Súc miệng với nước muối
Vệ sinh cổ họng bằng nước muối đều đặn mỗi ngày để phòng ngừa vi khuẩn.
Súc miệng bằng nước muối giúp loại bỏ bớt các chất nhầy tích tụ phía sau cổ họng, đặc biệt khi bạn ngửa cổ lên để súc miệng. Cũng có khi cách này giảm bớt triệu chứng nghẹt tai.
8. Vệ sinh mũi
Để giảm bớt nghẹt mũi và chảy nước mũi, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang, bạn nên rửa mũi thường xuyên.
Bạn có thể mua dụng cụ xịt rửa mũi tại các nhà thuốc hoặc dùng một chai nước muối sinh lý bình thường. Để vệ sinh sạch sẽ khoang mũi, bạn hãy xịt nước muối vào một bên lỗ mũi rồi để dịch chảy ra ngoài.
9. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân
Một người chăm sóc có lẽ không giúp hạ sốt hay hết đau họng nhưng sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và hỗ trợ những thứ cần thiết kịp lúc.
Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, hãy nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Ngược lại, khi một người yêu quý của bạn bị cảm cúm, hãy luôn ở bên cạnh và chăm sóc họ.