Nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa (Mỹ) sẽ phản đối kết quả bầu đại cử tri ở một số bang

03/01/2021 11:14

Một nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối kết quả bầu đại cử tri ở một số bang tại phiên họp lưỡng viện quốc hội Mỹ ngày 6/1 tới.

Các đối thủ của nhau: Tổng thống đắc cử Biden và đương kim Tổng thống Trump. Ảnh: PPAF.

Lưỡng viện quốc hội Mỹ sẽ có phiên họp chung ngày 6/1 qua đó kiểm phiếu đại cử tri và chính thức tuyên bố ai được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống.

Trước đó, qua phiếu bầu của các đại cử tri ngày 14/12, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã giành được 306 phiếu, nhiều hơn 270 phiếu cần thiết để trở thành Tổng thống, trong khi đó, số phiếu của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ là 232. Nếu có sự phản đối của một số Thượng nghị sĩ Cộng hòa và thành viên Hạ viện, lưỡng viện quốc hội sẽ phải thảo luận và bỏ phiếu để thống nhất có chấp thuận yêu cầu này hay không.

11 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bác kết quả bầu đại cử tri ở một số bang vì không được xác nhận một cách hợp pháp nếu quốc hội không chỉ định một ủy ban nhằm tiến hành rà soát khẩn cấp kết quả bầu cử trong vòng 10 ngày. Tuyên bố của các thượng nghị sĩ này cho rằng ủy ban này là cần thiết vì cuộc bầu cử 2020 đầy rẫy các cáo buộc chưa từng có về gian lận, vi phạm luật bầu cử và các bất thường trong bầu cử.

Mặc dù không đưa ra chứng cứ, tuyên bố của các Thượng nghị sĩ này cho rằng các cáo buộc gian lận đã làm giảm sự tin cậy về hệ thống bầu cử Mỹ và quốc hội Mỹ từng có tiền lệ trong việc giải quyết các cáo buộc tương tự. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng hành động của họ có thể không thay đổi kết quả cuộc bầu cử và họ không tìm cách làm hỏng tiến trình dân chủ mà tìm cách khôi phục lòng tin của người dân đối với tiến trình này.

Tuyên bố nhấn mạnh “Ủng hộ sự toàn diện của hệ thống bầu cử không nên là một vấn đề đảng phái. Việc rà soát công bằng kết quả bầu cử trước ngày 20/1 sẽ giúp tăng lòng tin của người dân Mỹ đối với quá trình bầu cử và củng cố tính hợp pháp của người sẽ trở thành Tổng thống sắp tới.”

Mặc dù nỗ lực này khó có thể thành công do Hạ viện vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ, tuy nhiên, động thái này có thể làm chậm lại quá trình công nhận chiến thắng của ông Biden và được coi là cơ hội để các đồng minh của Tổng thống Trump thể hiện sự trung thành với ông Trump. Động thái này cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa trong việc có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020 là hợp lệ hay không. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa khác tại Thượng viện đã chúc mừng chiến thắng của ông Biden và kêu gọi các thành viên của đảng mình không tham gia các nỗ lực phản đối kết quả bầu cử.

Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố không tìm thấy chứng cứ về cáo buộc này, điều được kỳ vọng sẽ đảo ngược thắng lợi của ông Biden. Nhiều tòa án tiểu bang và liên bang đã bác bỏ các nỗ lực của đội ngũ ông Trump nhằm lật ngược tình thế.

Phát ngôn viên nhóm chuyển giao của ông Biden, Michael Gwin, cho rằng tuyên bố của các thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ không thay đổi thực tế rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ ngày 20/1 và các cáo buộc vô căn cứ đã được xem xét và bác bỏ bởi Bộ trưởng Tư pháp, một loạt các tòa án và các quan chức bầu cử của cả hai đảng.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar, Chủ tịch Ủy ban quy định của Thượng viện, cơ quan có thẩm quyền đối với các cuộc bầu cử liên bang, nhấn mạnh yêu cầu của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ nhằm thay đổi ý nguyện của người dân, đi ngược tiến trình dân chủ và sẽ không thành công.