Nhiều tín hiệu vui trong xuất khẩu gạo
Nguồn cung giảm và việc Philippines tiếp tục thu mua đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này lên mức cao nhất của 9 năm. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 500-505 USD/tấn trong phiên ngày 31/12, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011.
Tính đến hết tháng 12/2020, xuất khẩu gạo đạt hơn 6,1 triệu tấn và trị giá hơn 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,78% về khối lượng nhưng tăng 9% về giá trị. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn nhiều cơ hội thuận lợi. Bởi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Cùng với đó các thị trường chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Trong đó riêng Philippines dự báo sẽ mua tăng thêm 0,4 triệu tấn.
Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu tăng khi hàng loạt khách hàng ráo riết mua vào, trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh…
Ngoài ra, nhập khẩu dự báo sẽ tăng 200.000 tấn ở mỗi nước trong số các nước Bờ Biển Ngà, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhập khẩu dự báo cũng sẽ tăng nhẹ ở Guinea, Iran, Madagascar, Mali và Mỹ. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Cộng hòa Armenia: 400 tấn; Cộng hòa Belarus: 9.600 tấn.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… với mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch với gạo Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0% sẽ tạo nhiều lợi thế cho hạt gạo Việt. Được biết, Anh sẽ dành cho Việt Nam 13.358 tấn/ năm, trong đó có 5.001 tấn là gạo thơm.
Mặc dù xuất khẩu gạo có nhiều điểm sáng, song đại diện một số doanh nghiệp lo ngại tình trạng thiếu container. Đây cũng là vấn đề của hầu hết các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam tháng cuối năm 2020. Tình trạng thiếu container đã bắt đầu từ tháng 9/2020 nhưng càng về cuối năm càng khan hiếm hơn. Chưa kể, giá cước vận chuyển đã tăng chóng mặt lên 4-5 lần so với thông thường. “Một container 20 feet đi Mỹ bình thường có giá 800-900USD thì nay được báo giá 3.300 USD, trong khi một container đi Đức được báo giá 6.000USD nhưng cũng không có sẵn container rỗng” - đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết.