Đừng để mất Tết
Hàng năm, cứ gần đến Tết Nguyên đán là số vụ tai nạn lao động gia tăng, khiến nhiều người chết và bị thương. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do chủ các công trình ép tiến độ để kịp hoàn thành công trình, người lao động thiếu tập trung vì tâm lý nghỉ Tết.
Mới đây, vào những ngày đầu của năm mới 2021, một vụ rơi vận thăng công trình tại trụ sở làm việc mới của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã khiến 3 người thiệt mạng, 8 người khác bị trọng thương. Hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho lực lượng công an tỉnh điều tra nguyên nhân vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc này. Nếu vụ TNLĐ có nguyên nhân từ con người, không đảm bảo an toàn lao động, sẽ có người phải chịu trách nhiệm.
Tất nhiên, ai đó phạm tội sẽ phải trả giá. Song, vấn đề ở đây không phải là ai sẽ phải ngồi tù vì không đảm bảo an toàn lao động cho công nhân mà là làm thế nào để những cơ quan, đơn vị, chủ công trình khác rút ra được bài học đắt giá, biết coi trọng quy trình an toàn lao động để đảm bảo không xảy ra những vụ việc tương tự, cướp đi sinh mạng và làm bị thương nhiều người. Đó mới thực sự là điều cần quan tâm nhất trong lúc này.
Việc lo lắng có thêm nhiều vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra là hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Tân Sửu, nhiều chủ công trình sẽ ép tiến độ công việc nhằm kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Dĩ nhiên, việc chạy đua với thời gian sẽ này sinh những vấn đề bất cập như không đảm bảo quy trình an toàn lao động, công nhân không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến quá tải, căng thẳng nên dễ xảy ra TNLĐ.
Điều này đã được thực tế nhiều năm qua chứng minh. Cứ gần đến Tết Nguyên đán, từ doanh nghiệp nhà nước đến các ông chủ tư nhân đều có tâm lý muốn “gói gọn” công việc trong tháng 12 âm lịch để “ăn Tết cho ngon”. Mà muốn “xong sớm, nghỉ sớm” có cách nào tốt hơn là tăng thêm nhân công, tăng ca thêm giờ làm? Thêm nhân công, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn trang bị đồ bảo hộ lao động vì sợ tăng chi phí.
Song, giải pháp tăng thêm nhân công cũng rất ít công ty, doanh nghiệp (cả quốc doanh và tư nhân) lựa chọn, bởi phát sinh thêm rất nhiều chi phí như lương, bảo hiểm... Vì thế, đại bộ phận các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp yêu cầu người lao động tăng ca, làm thêm giờ. Và thay vì làm việc 8 tiếng rồi được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, công nhân phải “làm hùng hục” mười mấy tiếng làm sao có thể không xảy chuyện?
Không phải vô cớ mà Luật Lao động quy định cụ thể, chi tiết số giờ làm việc tối đa của người lao động trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm. Những quy định đó được đưa ra dựa trên những nghiên cứu khoa học cùng với kiểm nghiệm thực tế, để đảm bảo người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, hiệu quả công việc sẽ cao hơn, giảm thiểu các vụ TNLĐ đáng tiếc như đã từng xảy ra.
Cũng không phải vô cớ mà Luật Lao động quy định quy trình an toàn lao động, buộc chủ sử dụng lao động phải trang bị đồ bảo hộ lao động cho nhân công, nhất là tại những khu vực ô nhiễm, độc hại, nguy hiểm. Đơn cử, với những thợ cơ khí thì không thể dùng đôi tay trần để lao động, dù chỉ trong 1 tiếng chứ chưa nói đến 8 tiếng. Hay như thợ điện vận hành tại trạm biến áp cao thế không thể dùng tay để đóng ngắt cầu dao...
Tiếc là nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp tư nhân thường chẳng để tâm đến những quy định của Luật Lao động. Để tiết giảm chi phí, nhiều “ông chủ” sẵn sàng cắt giảm các đồ bảo hộ lao động như quần áo, găng tay, quạt thông gió, kính chắn tia gamma... Thực ra, với mỗi bộ đồ bảo hộ lao động đơn lẻ không đáng tiền, nhưng nếu tiết giảm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công nhân thì số tiền “tiết kiệm” sẽ không nhỏ.
Ngay cả khi các cơ quan, đơn vị, hay doanh nghiệp tư nhân có chấp hành quy định về việc trang bị đồ bảo hộ lao động cho người làm việc, nhưng nếu bắt họ làm việc quá tải thì cũng khó tránh khỏi những vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra. Chẳng phải nhiều tài xế tại các doanh nghiệp vận tải do bị “bóc lột” quá nhiều thời gian làm việc, dẫn đến ngủ gật trên đường gây ra những vụ TNGT thảm khốc, cướp đi sinh mạng nhiều người đó sao?
Vậy nên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dù là của Nhà nước hay tư nhân, mỗi chủ sử dụng lao động đừng vì “năm hết, Tết đến” mà ép tiến độ, chạy đua với thời gian để rồi lợi bất cập hại, xảy ra những vụ TNLĐ đáng tiếc khiến nhiều người chết và bị thương. Cần tuân thủ nghiêm túc quy định về an toàn lao động, phải đặt lợi ích người lao động lên trên hết để đảm bảo an toàn. Đừng để người lao động “mất Tết”, bởi như vậy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng sẽ không thể có một cái Tết an lành.