Độc đáo trang phục Si La
Si La là dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở Mường Nhé (Điện Biên) và Mường Tè (Lai Châu).
Trang phục của người Si La mang nhiều nét riêng độc đáo của dân tộc. Thông qua bộ trang phục có thể phản ánh rất rõ những đặc trưng của lứa tuổi cũng như tình trạng hôn nhân gia đình.
Về trang phục của nam giới Si La, họ thường mặc quần ống chân què, áo cánh xẻ ngực, cài cúc, cổ đứng, có 2 hoặc 3 túi, màu chàm xanh. Điều khác giữa đàn ông Si La với đàn ông các dân tộc khác là ở chiếc khăn đội đầu. Nam giới Si La bao giờ cũng đội khăn trắng, quấn khăn đầu rìu.
Về trang phục nữ giới Si La, gồm có váy, áo, dây lưng và khăn đội đầu. Theo Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam giới thiệu: Váy (tồ bi) của nữ giới Si La là loại váy ống dài đến mắt cá chân, được may bằng vải do người Thái dệt, nhuộm chàm hoặc vải công nghiệp màu đen.
Váy có cạp và thân váy. Cạp váy là một mảnh vài khác màu (xanh hoặc đỏ) cao khoảng 20cm, được ráp với thân váy bằng kĩ thuật khâu đột sao cho đường chỉ cũng như mép vải lặn hẳn vào phía trong. Thân váy thường rộng hơn vòng bụng người mặc, khoảng 90 - 120 cm và dài bằng thân dưới tính từ eo lưng. Toàn bộ phần thân váy được để mộc, không trang trí nhưng khi viền gấu váy, phụ nữ Si La thường dùng chỉ đỏ khiến cho chiếc váy trở nên điệu đà hơn.
Khi mặc váy, bao giờ phụ nữ Si La cũng quấn và giắt mép váy về phía sau lưng. Có lẽ chính vì vậy mà xưa kia dân tộc này còn được người Thái gọi là Khả Pẻ - người mặc váy quấn ra đằng sau. Vải được cố định nơi eo lưng bằng một chiếc dây lưng (dò dừ) màu đỏ hoặc trắng dài khoảng 2 sải tay. Hai đầu dây lưng thường được các thiếu nữ để tua hoặc viền chỉ màu và thả ở phía trước để làm duyên, còn những phụ nữ có tuổi lại giắt lên cạp váy cho gọn.
Về áo (pi khồ), phụ nữ Si La thường mặc loại áo ngắn nữ, xẻ ngực, hơi bó thân. Áo may bằng vải do người Thái dệt thủ công, nhuộm chàm hoặc vải công nghiệp màu đen. Cổ áo không may đứng mà chỉ được viền theo mép vải. Cả cổ, tay và gấu áo đều được trang trí những đường viền hoặc những khoanh vải khác màu. Trên nền chàm đen, những đường viền này khiến cho bộ y phục trở nên mềm mại, sinh động hơn.
Thân áo trước là một miếng vải có hình thang cân, trên đính nhiều xu bạc, giữa các hàng xu là các đường văn kẻ bằng chỉ đỏ. Áo được cài cúc bên phải thân trước bằng cúc bướm. Các thanh nữ hoặc thiếu phụ trẻ tuổi thường chú ý nhiều đến việc trang trí các xu bạc ở ngực áo. Các cụ bà thường để thân áo đen bình thường.
Điểm đặc biệt trong trang phục nữ giới Si La là chiếc khăn đội đầu. Khăn đội đầu được chia làm hai loại: Khăn đội đầu của thiếu nữ và khăn đội đầu của phụ nữ đã có chồng. Khăn của thiếu nữ là một dải vải trắng, thêu những đường kẻ dọc ngang, tạo thành những ô vuông lớn bằng chỉ đỏ. Đầu khăn được trang trí các tua chỉ màu và những đồng xu bạc.
Khi đội, một đầu khăn được giắt trước trán còn đầu kia buông lửng phía sau lung. Chiếc khăn trắng chính là biểu thị cho sự trong trắng, thanh cao; cũng là dấu hiệu ngầm nói lên rằng chủ nhân của nó chưa có chồng, các chàng trai hoàn toàn có thể yên tâm theo đuổi và bày tỏ tình cảm của mình. Các thiếu nữ bắt đầu đội khăn ở độ tuổi 13.
Còn khăn đội đầu của phụ nữ đã có chồng là một dải vải dài khoảng 2m, 2 đầu được trang trí bởi những đồng xu bạc đính trên những đường thêu bằng chỉ màu. Nhiều người còn tết những tua chỉ màu và đính xu bạc nơi đầu khăn cho thêm phần duyên dáng. Sau khi lấy chồng, các cô gái không còn đội khăn màu trắn mà đội khăn đen và chiếc khăn này sẽ theo họ cho đến lúc chết.
Nghi thức đội khăn đen được thực hiện trong ngày cưới bởi người mẹ chồng hoặc một trong số các bà cô chồng. Người ta phải quấn tóc và buộc thành búi ở trước trán rồi mới quấn khăn ra ngoài. Chiếc khăn phải được quấn thật khéo sao cho có hình một cặp sừng mới nhú trên đầu. Cách quấn khăn độc đáo như vậy hiện tại chỉ thấy ở những người phụ nữ Si La. Đó cũng chính là dấu hiệu chứng tỏ người phụ nữ đã có chồng.
Cùng sự giao thoa văn hoá với các dân tộc khác, trang phục truyền thống lại khá cầu kỳ nên người Si La sử dụng trang phục này chủ yếu vào các dịp lễ tết, cưới hỏi, các sự kiện lớn bản làng... Đây cũng là cách người Si La gìn giữ và bảo tồn bản sắc của dân tộc.