Phương châm hành động năm 2021: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển
Ngày 4/1, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.
Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành để đưa đất nước vượt qua khó khăn thách thức.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số quốc gia được đề cập trong Nghị quyết 01, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết, chương trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi cơ quan nhà nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng trên diện rộng, đặc biệt là với doanh nghiệp (DN). Trong quá trình tái cơ cấu DN, việc kết hợp áp dụng kỹ thuật, công nghệ số là đòi hỏi khách quan và bức thiết để phục vụ cho tăng trưởng.
Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có được sức bật cho tăng trưởng giai đoạn tới và nếu không chuyển đổi số kịp thời, có thể dẫn tới nguy cơ nền kinh tế tụt hậu. Vì vậy, đòi hỏi bức thiết là phải chuyển đổi số - Thứ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Nói về bước đi cụ thể của chương trình chuyển đổi số quốc gia, ông Phương cho hay, sau khi có chương trình, đề án cụ thể triển khai Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ có bước đi phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
“Riêng Bộ KHĐT đã đề xuất Chính phủ triển khai ngay từ năm 2021 một chương trình hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại DN ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm tới để cố gắng cho các DN của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số rất mạnh mẽ” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, nói chuyển đổi số quốc gia thực tế là tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Muốn vậy, ngoài việc phải giải quyết trọn vẹn ba khâu là thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực thì phải xử lý 3 mối quan hệ.
Thứ nhất, Chính phủ điện tử sẽ xử lý mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước. Hiện đã thực hiện kết nối các cơ quan Đảng, Quốc hội và 4 cấp chính quyền (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). “Chúng ta phải kết nối điện tử hóa và số hóa, bảo mật thông tin. Nghị định 45/2020 xác nhận tính pháp lý của văn bản điện tử có giá trị như văn bản có chữ ký tươi. Khi đã nhận dữ liệu một lần, sẽ không bắt người dân, DN mang hồ sơ giấy đến và không có scan giấy tờ. Thực hiện số hóa thì các cơ quan nhà nước cũng phải số hóa hồ sơ” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Thứ hai, Chính phủ hay cơ quan nhà nước phải xử lý mối quan hệ với người dân và DN thông qua dịch vụ công, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thứ ba, phải xử lý mối quan hệ giữa các DN với đơn vị cung cấp dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt…
“Với cách tiếp cận như vậy, vừa rồi VPCP chủ trì, mạnh dạn giao đầu bài cho DN trong nước là VNPT và Viettel thực hiện, có chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá sự an toàn, bảo mật cho hệ thống. Bây giờ kết nối làm sao để người dân, DN làm thủ tục không phải đến các cơ quan nhà nước nữa” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông tin
Liên quan đến gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KHĐT là cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tựu trung lại là nhiệm vụ xây dựng hỗ trợ giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế, cho các DN, các đối tượng khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong 2021.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ triển khai do Thủ tướng Chính phủ giao. Chúng tôi sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế, có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao” - ông Phương nói.
Bao giờ mở cửa giao thương vận tải hành khách?
Trả lời về lộ trình mở cửa nền kinh tế, cụ thể là mở cửa giao thương vận tải hành khách, theo ông Trần Quốc Phương, Bộ KHĐT đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2021. Đặc biệt, việc kiểm soát nhập cảnh bất hợp pháp rất vất vả và khó khăn, do nhu cầu của người dân Việt Nam mong muốn được về quê ăn Tết, đoàn tụ gia đình rất lớn, người dân không đi được cách này cũng sẽ tìm cách đi trái phép, mà không kiểm soát được về vấn đề y tế sẽ gây ra nhiều nguy hiểm. Vì vậy, lộ trình chính xác ngày, giờ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô, các địa bàn quốc gia có thể mở được để đảm bảo sự an toàn cao nhất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin, chúng ta vẫn cho phép mở các chuyến bay thương mại bình thường để đưa các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao, các nhà đầu tư, các DN vào khảo sát, đầu tư kinh doanh, vận hành quản lý tại Việt Nam. Chúng ta không đóng cửa nhưng vào phải kiểm soát.
Với người Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn lao động, kết thúc hợp đồng, đối tượng người cao tuổi, trẻ em có bệnh nền, đối tượng gặp khó khăn thì tinh thần của Thủ tướng là có chính sách hỗ trợ họ về nước, nhất là trong dịp Tết này. Nhưng phải thực hiện tốt tinh thần phòng chống dịch, về chúng ta phải kiểm soát, phải test máu, test PCR âm tính, về phải cách ly luôn trên cơ sở tự chi trả chi phí cách ly.
Giải thích vì sao chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” - theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, những năm qua, chúng ta luôn giữ vững đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Với 5 mệnh đề bao hàm rất rộng nhưng khái quát, chúng ta thấy rằng, nếu có sự đoàn kết và có sự tin tưởng tuyệt đối, có thể thấy rằng chưa bao giờ chúng ta thấy niềm tin của người dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước được như bây giờ, thể hiện ở ý thức thực hành, sự tuân thủ của người dân trong phòng chống đại dịch Covid-19 và trong tình thương yêu, đùm bọc, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của người dân cả nước đối với đồng bào bị ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự đoàn kết ấy cực kỳ quan trọng.
Việt Nam đang đàm phán mua 30 triệu liều vaccine
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin, Việt Nam đang đàm phán mua vaccine phòng chống Covid-19 với các đối tác từ Anh, Nga, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, đối tác Anh cam kết sẽ cung cấp 30 triệu liều. Theo ông Cường, tất cả các đối tác đều yêu cầu bảo mật, dự kiến trong quý 1/2021 mới có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, đến thời điểm này đã có thể thông tin một số điểm.
“Kết quả gần nhất là với đối tác từ Anh, họ cam kết với chúng ta sẽ đảm bảo cho 15 triệu dân, tức là cung cấp 30 triệu liều và sẽ giao hàng theo tiến độ các quý 1, 2, 3, 4 của năm 2021” - ông Cường nói. Trong khi đó, đối tác của Mỹ cũng dự kiến giao hàng theo lộ trình. Còn đối tác Nga thì Việt Nam sẽ sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ, việc nhận chuyển giao sẽ do một công ty của Bộ Y tế thực hiện.
Về giá vaccine, theo ông Cường, chênh nhau không nhiều, tuỳ theo điều kiện thanh toán, bảo quản và giao hàng. Cùng với đó, giá còn tuỳ vào hiệu quả của các loại vaccine, đang chênh nhau về hiệu quả bảo vệ trong khoảng từ 65% đến 94%.
“Tất cả đều phải xin ý kiến các bộ, ngành. Hơn nữa, do một số nội dung chưa có tiền lệ nên cần báo cáo Chính phủ, nếu cần thiết thì sẽ phải báo cáo Bộ Chính trị. Tinh thần là làm sao có sự vào cuộc nhanh nhất để người dân sớm tiếp cận vaccine”- Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói thêm.