Doanh nghiệp du lịch đói vốn
Lúc làm ăn được thì ngân hàng chào mời vay vốn, thậm chí nhận giữ tiền cho doanh nghiệp (DN), khi khó khăn do dịch bệnh, DN đến vay, ngân hàng viện đủ lý do để từ chối.
Ông Nguyễn Quốc Toản, đại diện một DN chuyên dịch vụ về du thuyền cho biết, là một DN đặc thù, đang đầu tư kinh doanh 4 tàu du lịch tiêu chuẩn 5 sao với doanh thu hàng năm khoảng 150 tỷ đồng. Trước đây, khi làm ăn được thì các ngân hàng luôn muốn cho vay, công ty lại chưa có nhu cầu vay. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn về vốn và cần hỗ trợ từ ngân hàng nhưng phía ngân hàng trả lời: Vì công ty hoạt động trong ngành du lịch, đặc biệt là lĩnh vực du thuyền, rủi ro cao nên không được thế chấp tàu du lịch để vay vốn.
Ông Toản băn khoăn, trước đây, hàng ngày con tàu du lịch của công ty vẫn làm ra tiền và gửi tiền vào ngân hàng, nhưng đến khi xảy đại dịch thì ngân hàng lại không chấp nhận thế chấp con tàu đó để công ty vay vốn. Hoặc nếu có thế chấp phía ngân hàng định giá rất thấp, chẳng hạn một con tàu du lịch trị giá 45 tỷ đồng thì họ đưa ra mức giá chỉ từ 10 đến 20 tỷ đồng.
Theo ông Toản, đó là tình trạng chung của hầu hết các DN ngành du lịch khi đi vay vốn, bởi với tình hình Covid-19 như hiện nay thì khó có thể khẳng định ngành du lịch trở lại trạng thái bình thường như lúc chưa dịch trong thời gian ngắn được. Do vậy, việc đi vay vốn đối với các DN nghiệp du lịch thời điểm này là cực kỳ khó khăn vì ngân hàng sợ rủi ro.
“Tôi thấy chưa hợp lý trong vấn đề vốn vay đối với DN ngành du lịch. Để duy trì kinh doanh trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh, mỗi tháng công ty phải bù lỗ tất cả chi phí hết 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, tôi rất cần được gỡ khó để được vốn vay”- ông Toản nói.
Thông tin đưa ra từ đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho thấy, ước năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt 320.200 tỷ đồng, giảm tới 54% so với năm ngoái. Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong điều kiện khó khăn đến năm 2021 sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ ngành liên quan có những giải pháp tháo gỡ về vốn và chính sách hỗ trợ, nhằm giúp DN du lịch duy trì hoạt động và có cơ hội phục hồi.
“Chúng tôi quan niệm rằng, sức mạnh của ngành du lịch Việt Nam chính là nằm ở sức mạnh của các DN du lịch. Chính vì vậy, việc bảo vệ năng lực của họ và giảm thiểu những tổn thương đối với DN du lịch là điều cực kỳ quan trọng” - ông Chung nói.
Nhiều DN du lịch phản ánh, do không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nên họ chủ yếu dùng vốn tự có, vì doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn này chưa cao. Và các DN đã có đề xuất cần xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng đến tháng 12/2021, vì hiện nay có nhiều DN trong ngành không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi.
Ở góc độ một DN lớn trong ngành, ông Võ Anh Tài than phiền, nguồn lực tài chính của các DN du lịch càng ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, những chính sách về vốn vay rất cần được xem xét phù hợp hơn cho DN.
“Doanh thu của các DN du lịch trong lúc này rất thấp. Các tài sản thế chấp cũng đã thế chấp hết rồi, bây giờ chỉ có thể nghĩ đến vay tín chấp. Đặc biệt là những DN có tiềm lực, uy tín về mặt thương hiệu thì ngân hàng nên nới lỏng hơn trong việc cho vay” - ông Tài mong muốn.