Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Mang trong mình căn bệnh ung thư, nhưng chị Phạm Thị Thủy ở tổ 16, phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) vẫn miệt mài trên hành trình giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.
Vượt qua nỗi đau bệnh tật để làm việc thiện
Dáng người mảnh khảnh, đôi bàn tay gầy guộc nhưng nụ cười thì luôn thường trực trên môi, vì theo chị bộc bạch: “Cười để xua đi những nỗi đau, cười để vượt lên số phận nghiệt ngã”. Ít ai biết rằng, sau nụ cười rạng rỡ ấy là những đau đớn về thể xác do căn bệnh ung thư vẫn đang hành hạ người phụ nữ nhỏ bé này. Năm 2006, sau một cơn đau dữ dội, chị đi xét nghiệm và biết mình bị ung thư buồng trứng. Lo sợ trước bệnh tật, chị Thủy suy sụp rất nhiều.
Một người phụ nữ vừa chớm bước sang tuổi 30 (chị Thủy sinh năm 1976) nhưng đã mang trên mình bệnh tật hiểm nghèo, mọi dự định, tương lai như tấm màn đen phủ bóng trước mắt. Nỗi lo cứ thế gặm nhấm bào mòn khiến vóc dáng chị thêm hao gầy. Thế là hành trình chạy chữa kéo dài đằng đẵng, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà. Hết Đông, Tây y kết hợp rồi lại chữa trị trong và ngoài nước, chị đã trải qua 11 lần phẫu thuật, xạ trị, truyền hóa chất. Mỗi lần chị nhập viện chi phí hết sức tốn kém, sức khỏe suy giảm nhiều. Thế nhưng còn chút hy vọng, chị và gia đình lại cố gắng chạy chữa. Nhờ những tiến bộ của y học, chị Thủy đã nhiều lần vượt qua “cửa tử” để tiếp tục sống chung với bệnh tật.
Trong những ngày nằm viện, chị có khoảng thời gian để suy ngẫm về cuộc sống. Bản thân chị 6 tuổi đã mồ côi mẹ, một mình bố nuôi 3 chị em. Tuổi thơ vất vả thiếu thốn, trưởng thành thì bệnh tật. Dường như mọi khó khăn luôn thường trực, trở thành thách thức đối với người phụ nữ nhỏ bé này. Nhưng ngẫm lại, chị thấy vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì có gia đình ủng hộ và có điều kiện để chữa trị. Nhiều người xung quanh chị khi mắc bệnh đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì gia cảnh gieo neo, kinh tế khánh kiệt. Ngẫm mình lại thương đến người, chị Thủy đã trăn trở rất nhiều và quyết định phải làm việc gì đó có ý nghĩa để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vậy là chị bắt đầu nhen nhóm làm từ thiện sau đợt điều trị.
Công tác thiện nguyện mới nghĩ chỉ đơn giản là trao tặng quà, giúp đỡ ai đó nhưng kỳ thực khi bắt tay vào việc mới thấy nhiều khó khăn. Làm từ thiện rất nhạy cảm, nếu không cẩn thận sẽ hỗ trợ nhầm đối tượng hoặc làm giảm ý nghĩa của công việc đang làm. Thêm vào đó là áp lực từ dư luận, nếu ai không hiểu sẽ nghĩ mình kêu gọi từ thiện để làm lợi riêng hoặc những người ủng hộ vật chất không tin tưởng vào công việc mình đang làm. Thế nên, khi bắt đầu vào công việc, tiêu chí chị đặt ra là phải trung thực, công khai. Trước mỗi chuyến đi, chị đều tìm hiểu kỹ các nguồn tin về đối tượng cần hỗ trợ. Một lần, nhân đọc được thông tin về một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bát Xát (Lào Cai), chị đã liên hệ với cơ quan báo chí đăng tải nội dung để xác minh thông tin và trực tiếp đến đó tặng quà, giúp đỡ vật chất gia đình đó. Qua những lần công tác, chị Phạm Thị Thủy đã kết nối được với anh Nguyễn Xuân Trường ở Báo Sơn La hỗ trợ nên các nguồn tin bảo đảm tốt, nhờ vậy công tác từ thiện gặp nhiều thuận lợi.
Đi thiện nguyện cần phải có sức khỏe tốt nhưng với chị Phạm Thị Thủy, đó là một trở ngại lớn. Mỗi chuyến đi, chị phải nhờ sự trợ giúp từ bạn bè, người thân, đặc biệt người bạn Đồng Thu Cúc là nhân viên y tế có thể xử lý những vấn đề phát sinh về bệnh tật. Chị Thủy kể: “Vào tháng 6/2018, trong chuyến đi làm từ thiện ở Sơn La, người tôi rất yếu phải đeo hậu môn giả. Do lên vùng núi cao, áp suất giảm khiến thiết bị giả phồng lên. Khi đó, mình phải xuống xe nhờ chị Cúc tháo bớt hơi trong túi hậu môn giả, đồng thời dùng thuốc giảm đau hỗ trợ. Có đợt sau khi phẫu thuật ở Singapore về mới được 15 ngày, mặc dù còn rất đau nhưng mình vẫn lên đường vì chương trình đã lên lịch hiệp đồng với những địa điểm đoàn sẽ đến hỗ trợ”.
Khi được hỏi điều gì thôi thúc chị làm từ thiện trong điều kiện đang chữa trị bệnh ung thư, chị chia sẻ: “Cứ suy từ bản thân mình mà ra-một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi khó khăn, nhận được sự giúp đỡ dù nhỏ nhất cũng rất quý. Thế nên mình phải cố gắng làm, nếu không sẽ nhỡ đi những cơ hội để giúp đỡ nhiều người. Không phải mình coi thường sức khỏe bản thân, nhưng kỳ thực mỗi chuyến đi như có phép màu tiếp thêm động lực để mình chiến đấu với bệnh tật. Vì thế, 11 lần phẫu thuật, tôi đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục hành trình thiện nguyện”.
Nối tiếp những chặng đường nhân ái
Sức khỏe con người là hữu hạn, với người mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra, nhưng chị Phạm Thị Thủy vẫn cố gắng làm thiện nguyện. May mắn, trên hành trình ấy, chị nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ gia đình, bạn bè và các cộng tác viên tích cực. Có nhiều người cũng muốn làm từ thiện nhưng không có điều kiện để đi, thấy chị làm hiệu quả nên đã gửi gắm vật chất, kinh phí theo mỗi hành trình. Các chương trình từ thiện tiến hành theo đợt, vào dịp khai trường tặng sách vở, áo ấm mùa đông, quà Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, dịp Noel... Những nơi chị hướng đến là trẻ em ở vùng cao, điều kiện sinh hoạt học tập còn nhiều khó khăn. Mỗi tập sách, bộ quần áo giúp các em thêm vững bước đến trường. Có những đợt đồng bào vùng cao bị sạt lở do mưa lũ, chị đã nhanh chóng kêu gọi mọi người ủng hộ chỉ sau vài ngày là có thể lên đường ngay được.
Nhớ lại năm 2017, khi lũ lụt xảy ra ở Sơn La, chỉ trong một ngày, chị đã kêu gọi ủng hộ cấp tốc và thuê xe lên đường đi ngay trong đêm. Nhờ có thông tin từ bạn bè ở trên đó, chị biết đồng bào rất cần công cụ, vật dụng lao động để dọn dẹp nhà cửa và đồ dùng sinh hoạt. Vì thế, toàn bộ kinh phí do mọi người ủng hộ, chị dành mua cuốc, xẻng, dao phát và một số dụng cụ sinh hoạt để đồng bào tái thiết cuộc sống sau mưa lũ. Có những đợt, chị Phạm Thị Thủy phối hợp với anh Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại quốc tế Khánh Linh ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) thực hiện chương trình đem ánh sáng cho các cụ già vùng cao. Thông qua chính quyền địa phương, chị nắm danh sách các trường hợp cần giúp đỡ. Mỗi chuyến đi đều có bác sĩ nhãn khoa đến khám mắt và cấp thuốc, phát kính miễn phí. Nhiều cụ được hỗ trợ về thị lực đã rất cảm động vì trước đó không xem được ti vi, không xâu được kim chỉ, bao năm chỉ sống trong mờ ảo. Nhưng khi được khám và hỗ trợ kính, đôi mắt đã nhìn rõ hơn, mọi sinh hoạt vì thế cũng thuận lợi hơn. Mỗi đợt như vậy chị cùng đoàn công tác hỗ trợ được từ 300 đến 500 người nghèo.
Trên hành trình thiện nguyện, có khi chị Thủy lại ứa nước mắt khi một người mẹ có con bị não úng thủy ở Sa Pa (Lào Cai) cảm thấy áy náy nhận sự hỗ trợ từ một người đang mắc bệnh như chị. Khi ấy, chị phải động viên gia đình hãy yên tâm nhận một phần hỗ trợ để lo cho con vì bản thân chị dù sao cũng có điều kiện hơn. Hành trình thiện nguyện vì thế được tiếp tục thực hiện, bước chân người phụ nữ nhỏ bé này đã đi đến nhiều địa điểm khó khăn ở các tỉnh miền núi như: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang...
Để có nguồn kinh phí, chị Thủy nỗ lực kinh doanh thêm chuỗi hệ thống các cửa hàng quần áo. Có những lúc làm việc vất vả, chồng chị khuyên tạm ngừng công việc để nghỉ ngơi, nhưng chị vẫn gắng gượng để có thêm nguồn kinh phí giúp đỡ người khó khăn. Chứng kiến việc làm ý nghĩa của chị, nhiều người đã tin tưởng ủng hộ vật chất, gửi gắm kinh phí để chị bước tiếp trên chặng đường nhân ái. Động lực nào khiến người phụ nữ này vất vả lặn lội đi làm công tác xã hội khi ốm đau bệnh tật? Chị khe khẽ nhắc lại câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mỗi chuyến đi, chị san sẻ một chút quà, nhưng điều ý nghĩa là chị cảm thấy hạnh phúc và có thêm cả nguồn năng lượng sống tích cực hơn.
Hiện nay, tuy phải đều đặn dùng thuốc, định kỳ chữa trị nhưng chị Phạm Thị Thủy vẫn luôn cố gắng vượt qua nỗi đau bệnh tật để tiếp tục theo đuổi những hành trình nhân ái thắp lửa yêu thương. Chị tâm niệm, còn sức khỏe sẽ tiếp tục lao động và làm thiện nguyện. Con đường đó luôn song hành, trở thành động lực để chị vươn lên trong cuộc sống.