Năm 2021 và khát vọng phát triển
Ngay vào đầu năm mới 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; và Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Đây là hai nghị quyết được ví như “kim chỉ nam” cho hành động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2021, một năm đã có tiền đề tốt đã đạt được trong năm 2020 nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi mà kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng như sự sụt giảm nghiêm trọng cần có thời gian phục hồi.
Trong năm 2020, kinh tế nước ta đạt được thành tựu hết sức đáng trân trọng, với tăng trưởng GDP 2,91%. Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục khi mà suốt cả năm đại dịch Covid-19 hoành hành, cùng với những tổn thất nghiêm trọng do thiên tai, bão lũ gây ra. GDP tăng trưởng 2,91% đã đưa Việt Nam vào nhóm rất ít nền kinh tế có tăng trưởng dương trong 1 năm đầy khó khăn.
Trên cơ sở đó, năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%); GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Cùng đó,mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 1-1,5 điểm %.
Đó là những đích đến đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm và bền bỉ trong cả năm. Để đạt được những mục tiêu đó, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Năm 2021 chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nhìn lại năm 2020 nhiều gian nan, chúng ta có thể thấy sức chống chịu của nền kinh tế là rất lớn. Trong khó khăn kéo dài, kinh tế Việt Nam đã không bị đỗ gãy, không rơi vào tình thế trì trệ mà đã linh hoạt, kiên cường vươn lên. Khi mà các thị trường truyền thống phong tỏa để chống dịch bệnh thì Chính phủ đã chủ trương hướng mạnh vào thị trường nội địa, một thị trường có tiềm năng lớn với gần 100 triệu dân. Đây là chủ trương sáng suốt để sản xuất không đình trệ, hàng hóa vẫn tiêu thụ tốt. Đặc biệt, cũng trong năm 2020 ấy, chúng ta đã đạt được con số xuất siêu ở mức kỷ lục, với hơn 19 tỉ USD.
Ở một góc khác, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực, khi mà nhiều công trình với số vốn đầu tư lớn được triển khai. Từ đó đã tạo ra nhiều việc làm cũng như khơi dậy tinh thần quyết tâm vượt lên, dám làm việc lớn ngay trong bối cảnh đầy khó khăn mà không đợi khó khăn đi qua.
Có thể nêu ví dụ mới nhất: Hôm qua, ngày 5/1, chính thức khởi công “siêu dự án” Cảng sân bay quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD).
Một lần nữa, việc phát huy nội lực là vô cùng quan trọng. Nội lực từ cơ sở vật chất đã tạo dựng được cộng với “nội lực tinh thần” có trong phẩm chất cao quý của người Việt Nam: Không bao giờ chịu đầu hàng trước hoàn cảnh, không né tránh mà dũng cảm đương đầu để tìm cách vượt qua.
Năm 2021 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn khi mà tình hình dịch bệnh chưa thể nói chắc có thể kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, cho dù một số quốc gia đã bắt đầu tiêm chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng.
Cụ thể là gần đây lại xuất hiện biến thể mới virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70%. Không chỉ ở nước Anh (nơi đầu tiên phát hiện biến thể mới này, vào ngày 14/12/2020), mà nó đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn nhiều gian khó.
Trong bối cảnh đó, chúng ta rất hy vọng vào vaccine ngừa Covid-19 do chính người Việt Nam điều chế, sản xuất. Hiện chúng ta có 4 cơ sở điều chế vaccine này, trong đó vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen đã chính thức tiêm chủng trên người tình nguyện, vào ngày 17/12/2020. Thông tin mới nhất là một loại vaccine nữa cũng sắp được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, rút ngắn được khoảng 2 tháng so với thời gian dự kiến.
Như vậy, trong năm 2021, có thể nói chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tự sản xuất được vaccine ngừa Covid-19, chúng ta có trong tay vũ khí cực kỳ quan trọng để chủ động phòng chống đại dịch. Đây là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh tế - xã hội sẽ nhộn nhịp và mạnh mẽ hơn.
Vì thế, Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, với những mục tiêu lớn, chúng ta vẫn tin tưởng rằng năm 2021 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở khi đất nước trải qua năm 2020 gian khó một cách đầy tự hào.