Siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu... Do đó, việc siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm luôn cần được các địa phương chú trọng.
Thời điểm cận tết, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM… đã đưa ra những cảnh báo với người dân: Thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Bên cạnh đó thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATTP.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, người dân có thói quen mua thực phẩm qua các trang thông tin điện tử, trên mạng xã hội hoặc đặt mua hàng online. Mua hàng hình thức này góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả nhờ giảm tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và được đông đảo người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mua bán online là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng, nhất là khi hành lang pháp lý để xử phạt là chưa có đủ. Hiện, hầu hết cơ sở bán hàng online đều không có giấy chứng nhận ATTP. Điều đó, có nghĩa họ đang vi phạm pháp luật về kinh doanh (buôn bán thực phẩm phải có đủ điều kiện về ATTP và thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước).
Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
Trước thực tế “vàng thau lẫn lộn” các loại thực phẩm bán online, và để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có yêu cầu tới các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp bảo đảm ATTP.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác quản lý, bảo đảm ATTP với định hướng trọng tâm là đến năm 2025 tất cả thực phẩm tiêu dùng trong nước đạt mức tiêu chuẩn chất lượng tương đương thực phẩm xuất khẩu; thực hiện được việc truy xuất nguốn gốc đối với các loại hàng hóa thực phẩm cơ bản lưu hành trên thị trường; các sản phẩm thực phẩm uy tín phải có chỉ dẫn địa lý được công bố, bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cần khẩn trương có kế hoạch, lộ trình, biện pháp chỉ đạo thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước và truy xuất nguồc gốc thực phẩm.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố liên quan xây dựng cơ chế và có Chương trình hỗ trợ, bảo đảm các thực phẩm có uy tín, chất lượng đều có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đưa vào vận hành hệ thống thông tin ATTP trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, trước hết là đối với 6 nhóm hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Y tế và một số nhóm hàng chủ yếu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Trong năm 2020, Bộ Y tế cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành tăng cường quản lý quảng cáo về ATTP, thực phẩm chức năng, trong đó tập trung xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm, các trang mạng, tổ chức cá nhân phát hành quảng cáo không đúng quy định.
Toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.
Ngành Nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông lâm thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2020, lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hoá trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ/8.548 đối tượng vi phạm về pháp luật ATTP, xử lý hành chính 7.659 vụ/7.189 cá nhân, tổ chức với số tiền xử phạt là 52,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ/8 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP.